Nghịch cảnh suy dinh dưỡng

ANTĐ - Chẳng khác nào một nghịch lý toàn cầu khi mà những người béo phì, thừa cân còn có thể bị suy dinh dưỡng nặng hơn cả những người đói ăn.

Bữa ăn thiếu chất của 2 anh em một gia đình nghèo ở Ấn Độ

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của LHQ ngày 4-6 kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến chống suy dinh dưỡng và nạn đói. Theo FAO, đây thực sự là 2 vấn đề lớn, đặt ra những thách thức nghiêm trọng không chỉ về sức khoẻ mà còn cả kinh tế toàn cầu.

Trong báo cáo nhan đề “Thực trạng lương thực và nông nghiệp toàn cầu 2013" công bố cùng ngày, FAO cho biết, thế giới hiện có khoảng 870 triệu người bị đói, song đây chỉ là một phần nhỏ trong số hàng tỷ người đang bị suy dinh dưỡng. Đại đa số người đói chủ yếu sinh sống tại các nước đang phát triển, nước nghèo bị suy dinh dưỡng, trong đó số người suy dinh dưỡng ở châu Phi tăng từ 175 lên 239 triệu người.

Song cũng khá bất ngờ khi FAO cho biết, thế giới đang phải chứng kiến một nghịch lý. Trong khi có tới 2 tỷ người bị thiếu một hoặc nhiều chất vi dinh dưỡng, cùng lúc lại có hơn 1,4 tỷ người thừa cân, bao gồm 500 triệu người mắc bệnh béo phì. Đáng chú ý, 26% số trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới đang bị suy dinh dưỡng thể còi và 31% số trẻ em thiếu Vitamin A. 

Thiếu cân là nguy cơ hàng đầu gây ra nhiều bệnh tật ở các nước có thu nhập thấp và chiếm khoảng 6% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Nhưng thừa cân và béo phì cũng là một hình thức suy dinh dưỡng. Khoảng 1,5 tỷ người lớn ở độ tuổi trên 20 trên thế giới bị thừa cân hoặc béo phì, trong đó có hơn 40 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân hoặc béo phì.

Tình trạng thiếu vitamin và vi chất dinh dưỡng cùng với bệnh béo phì và quá cân còn gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới về hiệu quả lao động và chăm sóc y tế ở mức quá cao, cao hơn nhiều so với suy dinh dưỡng do đói nghèo. Suy dinh dưỡng cùng béo phì gây ra tổng thiệt hại tới 5% tổng GDP toàn cầu, tương đương 3,5 nghìn tỷ USD hay bình quân đầu người 500 USD. 

FAO tỏ ra lo ngại khi cho biết tình trạng suy dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em tiếp tục làm giảm chất lượng sống và tuổi thọ của hàng triệu người, đồng thời các vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh béo phì, như bệnh tim và tiểu đường, gây ảnh hưởng đến nhiều triệu người khác. Chìa khóa để chống suy dinh dưỡng trước hết là đủ ăn và được ăn đủ chất.

FAO đã đưa ra một số kiến nghị nhằm giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng, trong đó tập trung vào việc sử dụng các chính sách phát triển nông nghiệp thích hợp, đẩy mạnh đầu tư và nghiên cứu để tăng năng suất, lựa chọn chế độ ăn uống thích hợp, bảo đảm chế độ cung cấp lương thực đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của bà mẹ và trẻ em... Tổ chức này cũng nhấn mạnh tới việc cần hạn chế tình trạng thất thoát và lãng phí lương thực, thực phẩm bởi tỷ lệ thất thoát hiện nay lên mức 1/3 tổng số lương thực được sản xuất cho người tiêu dùng mỗi năm.

FAO khẳng định, xây dựng các hệ thống lương thực, thực phẩm tăng chất dinh dưỡng đòi hỏi cam kết chính trị mạnh mẽ và sự lãnh đạo ở cấp cao nhất, các mối quan hệ đối tác rộng rãi và các biện pháp phối hợp với các ngành quan trọng khác như y tế và giáo dục. Cùng với đó, FAO cũng đưa ra một số dự án khả thi nhằm tăng các chất dinh dưỡng và sản lượng lương thực, nhất là các nước nghèo ở châu Phi và châu Á.