Nghĩ bên Hồ Gươm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không hiểu sao dạo này tôi rất thích đi bộ quanh hồ Gươm. Phần vì tôi đã nghỉ hưu được khuyên là nên đi bộ hàng ngày, mà đi bộ làm 1 - 2 vòng hồ Gươm thì lợi cả đôi đường. Thứ nhất là vẫn duy trì được thói quen tập thể dục, thứ hai là được tha hồ ngắm người. Nhưng có lẽ quan trọng nhất là dịp Giêng Hai này thời tiết Hà Nội quá đẹp. Chút lạnh se se, chút nắng hửng vàng, chút gió lao xao và hoa lá bên hồ như rực rỡ hơn.

Tinh tế Hà thành

Thong thả dạo trên lối đi ven hồ song song với phố Lê Thái Tổ, gió từ phía Đông đưa tới dìu dịu, cảm giác dễ chịu ùa đến, những mệt mỏi trước đó vụt tan. Quanh tôi cũng là những bước chân với tiếng nói, tiếng cười vui vẻ. Người đến hồ Gươm khá đông cho dù là ngày thường hay ngày nghỉ. Sau mấy bận đi bộ quanh hồ, tôi nhận ra những người đến đây thường rơi vào khách du lịch (gồm người từ các địa phương khác về Hà Nội và khách du lịch người nước ngoài), người tập thể dục hoặc đi dạo, các bà, các chị, các em thích chụp ảnh. Mỗi người mỗi việc nhưng tựu trung lại là đều phấn chấn, háo hức và thu hoạch được bao điều bổ ích.

Tôi thích đi bộ quanh hồ Gươm còn bởi một lẽ, đó là tôi thực sự chưa bao giờ hiểu hết được nơi này. Mỗi buổi đi bộ là mỗi phát hiện mới. Hôm có nắng, mặt hồ lung linh gợi mở. Buổi nhiều mây, mặt hồ trầm tư nghĩ ngợi. Buổi sáng cây lá mướt xanh. Buổi trưa cây lá ánh lên lấp láy. Buổi chiều lá chừng như đượm đà, lắng đọng. Và hoa nữa, hoa bên hồ Gươm cũng rất hữu tình. Những bông cúc vàng ngỡ như vừa được nhuộm bởi ánh nắng. Hoa hồng đỏ rực tưởng như bao khí thế hồn thiêng Thăng Long cùng về đây hội tụ. Mùa này hoa sưa nở trắng trời. Cây hoa sưa dễ khiến người ta liên tưởng đến tà áo dài thiếu nữ, cũng trắng tinh khôi, cũng vẹn trong như thế. Con gái Hà Nội ai ai cũng đẹp. Đẹp và thướt tha đến nỗi có một nhà thơ đã thốt lên: “Thật dễ dàng tôi nhận ra em/ Chẳng lẫn nét nào trên phố/ Tà áo em bay bay cho tôi nhìn thấy gió/ Thơm thơm hương bưởi hương lan”.

Đường dạo quanh hồ Gươm tuy đông đúc nhưng ai ai cũng thân thiện, ai ai cũng như đã quen nhau rồi, ai ai cũng như đều chung cảm giác như mình. Bởi thế nên người xuôi, người ngược, người đi một mình hay theo nhóm, rất cả đều vui vẻ, một cái chạm nhẹ là nhận lại được nụ cười, một ánh mắt ngắm nhìn sẽ nhận được những cảm thông thân ái.

Hôm nay, tôi vừa phát hiện ra một chi tiết mới cho dù nó rất quen, đó là một chị đã hơi cao tuổi mặc áo dài xanh có điểm chút hoa nho nhỏ. Chị đi một mình, và khi thấy tôi đang ngồi thì lại gần đặt túi đồ xuống rồi nhẹ nhàng hỏi nhỏ: “Anh làm ơn bấm giúp tôi mấy kiểu ảnh được không?”. Chi tiết lạ là câu “được không?”. Người Hà Nội thường khiêm tốn, trước khi định hỏi câu gì đều nói “xin lỗi”, trước khi nhờ một việc gì đều hỏi “được không?”. Đó là cái tinh tế rất Hà thành. Dĩ nhiên là tôi đồng ý. Sau khi bấm hộ mấy kiểu ảnh, tôi chưa vội đi ngay mà hỏi: “Chị xem có ổn không. Nếu chưa được thì để tôi chụp lại”. Một nụ cười thay cho câu trả lời. Tôi hiểu nụ cười ấy là lời cảm ơn, là câu trả lời “ảnh đẹp lắm anh ạ”. Người Hà Nội khéo là thế. Không ăn nói dài dòng. Chỉ cần một biểu cảm là đủ.

Lắng hồn sông núi

Hồ Gươm mát xanh, chẳng thế mà câu hát “Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mấy trời/ Càng tỏa ngát hương thơm hoa Thủ đô” đã gieo vào lòng biết bao thế hệ. Người Hà Nội đến bên hồ Gươm để chiêm nghiệm về cuộc đời, để lắng mình vào hồn thiêng Thăng Long, để nhận thêm những cảm tình từ bao người từ bao xứ. Người phương xa đến bên hồ Gươm để gom vào lòng mình nét văn hóa Thăng Long. Người nước ngoài đến với hồ Gươm để nhận những chân giá trị về con người Hà Nội. Họ sững sờ nhận ra có một Hà Nội thanh bình và hiếu khách, điều mà họ từng trăn trở đi tìm đâu đó.

Tôi thong thả bước, tầm này quanh hồ đã đông người, những buổi chiều cuối tuần thật vô cùng dễ chịu. Chợt tôi nhớ quãng 50 năm trước, sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký vào ngày 27-1-1973, người Hà Nội đổ ra đường ăn mừng chiến thắng. Hồ Gươm buổi sáng 28-1 bỗng trở nên đông vui khác lạ. Gặp nhau dù chẳng quen biết nhưng mọi người đều gật đầu chào nhau như đã thân lâu lắm rồi. Ai cũng hân hoan, tưng bừng nét mặt. Đã qua rồi những lo âu ngước mắt lên bầu trời, đã qua rồi những bước chân vội vã chạy tìm nơi trú ẩn.

Người Hà Nội đã vui và người Hà Nội ôm trọn niềm vui. Năm 1973 đó, trên mặt hồ Gươm luôn dập dờn sóng nước. Hình ảnh những đội thi bơi thuyền mê mải khua mái chèo trong tiếng hò reo cổ vũ của người đứng kín trên bờ. Rồi hình ảnh những chị, những anh đang hiên ngang biểu diễn lướt sóng. Mặt hồ dậy lên những âm thanh náo động, những âm thanh của phấn khởi và cảm phục. Rồi dọc phố Đinh Tiên Hoàng, những chàng trai, cô gái Hà thành dũng cảm và khéo léo biểu diễn nghệ thuật trên xe mô tô. Hồi ấy, Hà Nội thường có những đội thể dục nghệ thuật như thế. Bài biểu diễn nghệ thuật đã đem đến một không khí vui tươi, náo nức, mang lại một không gian hồ Gươm tưng bừng khác hẳn hiện nay.

Sự sáng tạo, đa dạng trong phong cách dân gian và nét hiện đại mang lại một sắc thái mới mẻ cho hồ Gươm

Sự sáng tạo, đa dạng trong phong cách dân gian và nét hiện đại mang lại một sắc thái mới mẻ cho hồ Gươm

Một chút tiếc nuối, một chút chạnh lòng bởi bên hồ Gươm bây giờ lại quá bình lặng. Dường như hồ Gươm đang thiếu một cái gì đó. Đôi lúc tôi tự hỏi: “Hãy làm một cái gì đó để hồ Gươm thu hút hơn, hấp dẫn hơn và quan trọng là để người nơi xa đến có cảm nhận về một Hà Nội tài hoa và giàu văn hóa”. Hồ Gươm dường như đang vắng đi những “không gian văn hóa” thực sự. Có lẽ chúng ta nên dành thêm sự quan tâm đến nội dung này để hồ Gươm hôm nay xứng danh “di tích ngàn năm” của Thăng Long, là biểu tượng của Thủ đô, là nơi “lắng hồn núi sông” như nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã hát.

Tin đọc nhiều