Nghệ nhân gốm Tô Thanh Sơn: Gốm Bát Tràng biến hóa nhưng vẫn giữ hồn cốt dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  “Cả cuộc đời rực cháy/ Triệu sản phẩm qua tay/ Đôi tay vầy lem đất/ Mới có cơ nghiệp này” Ngay tại cổng ngôi nhà “Thuận An đường” trong làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội), nghệ nhân Tô Thanh Sơn chào đón chúng tôi bằng những vần thơ về chuyện nghề. Vào trong nhà, ông mời khách uống nước chè tươi để cùng tìm hiểu về thị trường của làng gốm truyền thống.
Nghệ nhân Tô Thanh Sơn thu cả vũ trụ vào một cái chén nhỏ

Nghệ nhân Tô Thanh Sơn thu cả vũ trụ vào một cái chén nhỏ

- Phóng viên: Thưa nghệ nhân Tô Thanh Sơn, ông là người được ví thu cả vũ trụ vào một cái chén nhỏ. Để tạo nên cái chén như thế có lẽ là cả quá trình đúc kết kinh nghiệm?

- Nghệ nhân Tô Thanh Sơn: Từ khi ra đời, gốm đã luôn là một trong những sản phẩm nghệ thuật trang trí được yêu thích nhất. Tuy vậy để tạo ra những tác phẩm tuyệt vời này cần sự hòa quyện giữa tính năng và nghệ thuật, giữa đất, nước và đôi bàn tay khéo léo. Bản thân tôi thấy rằng, một người thợ gốm giỏi không chỉ cần có đam mê, nhiệt huyết mà quan trọng là đôi tay khéo léo và sự am hiểu về văn hóa dân tộc. Chúng tôi được gọi là con nhà nòi. Từ hồi bé, tôi đã giúp bố mẹ làm nghề gốm rồi, huống chi là năm nay đã gần 70 tuổi. Vì lẽ đó, nghề làm gốm nó tự đi vào cuộc đời tôi.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào đầu những năm 1980, tôi quyết lập nghiệp bằng chính nghề của ông cha để lại. Tôi tầm sư học đạo, tích lũy kinh nghiệm từ các bậc cao nhân trong làng. Người thì tôi học cách tạo dáng, người thì học thủ thuật làm men, làm màu, cùng với đó là những bí ẩn về hỏa biến từ ngọn lửa trong lò nung. Nhưng chuyện đối diện với thị trường và phương thức làm ăn thời bao cấp không dễ dàng với những người trẻ tuổi chưa có kinh nghiệm từng trải như tôi. Rồi tôi chợt nhớ lời người bạn và cũng là người thầy của mình - Giáo sư, họa sĩ Trần Khánh Chương có lần khẳng định: “Muốn nghề gốm trở nên bền vững và phát triển thì phải phát huy trên nền tảng gốm truyền thống”. Những lời khuyên đó đã giúp tôi đi đúng hướng.

Tác phẩm gốm "Dáng tựa búp sen"

Tác phẩm gốm "Dáng tựa búp sen"

- Cụ thể là ông và những thợ gốm Bát Tràng đã phát triển nghề gốm truyền thống theo hướng nào?

- Đã là làng nghề truyền thống thì phải phát triển dựa trên những giá trị truyền thống và đặt chất lượng lên hàng đầu. Sành, sứ của Bát Tràng rất “trắng, trong, mỏng, tròn” không thua kém gì gốm Giang Tây (Trung Quốc). Những bộ trà, lọ hoa, cùng nhiều sản phẩm khác nữa đều mang hơi thở, dáng dấp truyền thống. Còn từ màu men, nét vẽ như khóm trúc, khóm khoai, con chuồn chuồn... cũng rất sinh động và cũng phù hợp với hơi thở hiện đại. Tôi tự hào khẳng định sản phẩm gốm sứ Bát Tràng rất khác biệt bởi có vẻ đẹp tinh tế mà sang trọng. Cốt đất đặc trưng của gốm Bát Tràng được phối tạo nên từ cát và phù sa của dòng sông Hồng. Men được nung ở nhiệt độ tương đối cao từ 1.250 - 1.320 độ C tạo nên màu sâu, đằm, mang đặc thù riêng của dòng gốm cổ. Men được chế bằng men gio (trấu), tức là vỏ trấu đốt lên trộn với bùn, vôi bột với một tỉ lệ nhất định rồi nghiền mịn. Bản thân chúng tôi làm nghề phải tỉ mỉ từ quá trình chọn đất, nhào nặn, tạo hình, trau chuốt những họa tiết tráng men cho từng sản phẩm.

- Ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi, sáng tạo của các nghệ nhân khác trong nghề gốm?

Những năm gần đây, làng gốm Bát Tràng có nhiều đổi khác, trong đó phải kể tới khát vọng lớn của những nghệ nhân “ngụ cư”, vừa miệt mài làm nghề, vừa phát huy, sáng tạo nghề. Nghệ nhân Nguyễn Hùng được gắn với danh từ “hoàng thổ liên hoa”. Sau hơn 15 năm nghiên cứu dựa trên bài men tro cổ truyền, ông Nguyễn Hùng đã cho ra bài men với tro từ thân cây sen. Loại men này cho dải màu rộng hơn, giúp nghệ nhân làm chủ màu sắc trên gốm như họa sĩ. Bản giao hưởng kỳ diệu của sen và tính chất của cốt gốm cải biến từ phù sa trầm tích sông Hồng đã tạo ra gam màu mới lạ, phù hợp với các sản phẩm mang hồn cốt dân tộc. Còn nhiều sự sáng tạo lắm, bản thân tôi cũng luôn ý thức sáng tạo và dặn các học trò của mình làm điều đó. Một điều quan trọng khác là cách làm gốm cũng đã có sự tiến bộ. Sau khi được tô vẽ, những sản phẩm gốm sẽ được tráng một lớp men đã được “chế biến” và đưa vào lò nung với nhiệt độ cao. Trước đây, người dân Bát Tràng dùng lò than để nung sản phẩm, nhưng với sự thay đổi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cũng nhằm giảm ô nhiễm môi trường, các hộ sản xuất tại Bát Tràng đã sử dụng lò ga thay thế. Tôi nghĩ rằng phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường sẽ tạo nên sự phát triển bền vững, người tiêu dùng sẽ ngày càng tin yêu các sản phẩm do chúng tôi làm ra.

- Ông vừa chia sẻ là nghề gốm phải luôn sáng tạo. Nhưng chúng ta nên sáng tạo như thế nào để không làm mất đi giá trị vốn có của gốm Bát Tràng?

- Nhà nước cũng đã có rất nhiều chính sách giúp duy trì và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của làng gốm Bát Tràng. Hơn thế, bạn bè quốc tế mỗi khi đến thăm Việt Nam đều đặc biệt yêu thích những sản phẩm của gốm Bát Tràng. Họ thường xem các nghệ nhân làm gốm và cũng rất thích được học làm gốm vuốt tay. Sau khi kết thúc chuyến tham quan, du khách thường mua sản phẩm tại đây để làm quà cho bạn bè, người thân. Cứ thế thương hiệu gốm sứ Bát Tràng được nhiều người biết đến và góp phần tôn vinh giá trị, bản sắc của làng nghề Việt. Tôi nói đến sáng tạo tức là mỗi thợ gốm cần mày mò, tìm hiểu và tạo nên kiểu dáng, hình ảnh khác nhau, nhưng vẫn cần hướng tới giá trị truyền thống. Những gì khắc họa trong từng sản phẩm phải thuộc Việt Nam, mang màu sắc, hình ảnh đất nước, con người Việt. Tôi cũng mừng và tự hào khi được chia sẻ về làng nghề quê hương và được trưng bày các sản phẩm gốm sứ tại các sự kiện trọng đại. Qua đó, nhiều người sẽ hiểu thêm về gốm Bát Tràng đã biến hóa nhưng vẫn giữ được hồn cốt dân tộc, giữ được sự tinh tế trong từng chi tiết.

Nghệ nhân Tô Thanh Sơn giới thiệu gốm, sứ Bát Tràng với khách nước ngoài

Nghệ nhân Tô Thanh Sơn giới thiệu gốm, sứ Bát Tràng với khách nước ngoài

- Năm 2010, dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010), ông đã tạo ra chiếc chóe mang tên “Dáng tựa búp sen”. Sản phẩm này nổi tiếng và được nhiều người yêu mến là vì chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc?

- “Dâng hiến gốm thanh cao trong dáng búp sen/ Men chắc bóng ảo huyền ánh sáng/ Lắng đọng ngàn năm hôm nay tỏa rạng/ Sừng sững chứng nhân lịch sử không lời…”. Hình tượng của chiếc chóe thanh thoát tựa bông sen và toàn bộ bề mặt được khắc bức phù điêu tròn với hình ảnh vua Lý Công Uẩn đọc “Chiếu dời đô” về Thăng Long. Đây là một trong những sản phẩm tôi yêu quý, trân trọng trong quá trình làm nghề. Làng gốm Bát Tràng đã có nhiều thay đổi, sản phẩm đa dạng hơn nhưng cái cốt lõi vẫn là mang nét truyền thống. Chúng ta đừng nghĩ rằng, muốn sản phẩm gốm sứ mang hơi thở hiện đại là phải cập nhật toàn bộ những gì thuộc về hiện đại. Không phải thế! Cuộc sống càng phát triển thì những gì hướng về cội nguồn, truyền thống càng quý. Bởi đó là bản sắc dân tộc.

- Cảm ơn nghệ nhân Tô Thanh Sơn về cuộc trò chuyện này!

Tin đọc nhiều