Hệ thống phòng không 42S6 Morpheus do Nga chế tạo được xem như "bản sao Iron Dome", nó được cho là vũ khí hiệu quả nhất để chống lại tên lửa HIMARS Ukraine lúc này.
Trên chiến trường Donbass, các tổ hợp pháo phản lực dẫn đường M142 HIMARS trong tay Quân đội Ukraine với tên lửa GMLRS do Mỹ viện trợ đang "làm mưa làm gió" khi gây ra cho binh sĩ Nga rất nhiều thiệt hại.
HIMARS đang được xem như vũ khí thay đổi cục diện chiến trường, nó đã làm đứt đà tiến công của quân Nga khi phá hủy vô số kho đạn, khiến pháo binh Nga không thể bắn thoải mái như khi mở đầu giai đoạn 2 của chiến dịch.
Đối phó tên lửa GMLRS của M142 HIMARS đã được chính các trắc thủ phòng không Nga thừa nhận là nhiệm vụ khó khăn nhất, bởi các tổ hợp như S-400, Buk-M3, Pantsir-S1, Tor-M2... không có chuyên môn đánh chặn mục tiêu đạn đạo như vậy.
Tên lửa GMLRS thường từ độ cao 22 km lao xuống với tốc độ rất nhanh, diện tích phản xạ radar nhỏ nên chỉ phát hiện được ở cự ly gần, khi đó phòng không Nga có rất ít thời gian để đánh chặn nó.
Nga rõ ràng cần một hệ thống tên lửa phòng không chuyên đánh chặn mục tiêu đạn đạo, với khả năng tự động xác định vật thể đang bay tới và lựa chọn phóng đạn tiêu diệt hay bỏ qua tương tự như Iron Dome của Israel.
Thực ra không phải là Nga hoàn toàn không có một hệ thống phòng thủ tên lửa chuyên dụng như vậy, thậm chí vũ khí này đã được họ mang tới chiến trường Syria để thử nghiệm hồi năm 2018.
Căn cứ vào hình ảnh vệ tinh chụp được từ căn cứ Hmeimim vào cuối tháng 7/2018, các chuyên gia quân sự xác nhận Nga đã đưa tới đây hệ thống tên lửa phòng không mới nhất 42S6 Morpheus.
Được biết hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn 42S6 Morpheus bắt đầu được phát triển từ năm 2007, do Phòng thiết kế thử nghiệm của Tập đoàn vũ khí Almaz-Antey nghiên cứu, chế tạo.
Morpheus có nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu quan trọng, nó được trang bị cả phương tiện tấn công chủ động lẫn thụ động. Hệ thống tên lửa phòng không loại này loại bỏ được mọi mục tiêu hoạt động trong tầm bắn hiệu quả 6 km.
Hệ thống được trang bị radar đa năng 29YA6 đặt trên xe chiến đấu 70N6. Ngoài ra, tổ hợp này còn được lắp thêm trạm hồng ngoại, trong khi trung tâm điều khiển hệ thống sẽ được đặt trên xe chiến đấu BAZ hoặc Tiger.
Về tổ hợp phóng, chúng cũng được đặt trên xe chiến đấu 70N6. Các tên lửa được bắn đi từ các ống phóng thẳng đứng. Mỗi tổ hợp phóng có thể mang theo tối đa 16 tên lửa.
Loại tên lửa được sử dụng là loại 9M338K với tầm bắn tối đa khoảng 6 km và tầm bắn cao khoảng 3.5 km, có thể dùng để tiêu diệt UAV, đạn pháo, cối... như vậy tính năng của chúng rất giống Iron Dome của Israel.
Mặc dù vậy trong thời gian triển khai tại Syria, tổ hợp phòng không 42S6 Morpheus không phóng bất cứ quả đạn nào lên bầu trời và được đưa về nước rất nhanh, thông tin về nó cũng biến mất từ đó đến nay, dẫn tới nhận định rằng quá trình thử nghiệm đã thất bại.
Thực tế trên cho thấy rất ít khả năng tổ hợp phòng không 42S6 Morpheus sẽ được Nga điều động ra chiến trường Donbass vào thời điểm sắp tới nhằm thử nghiệm đánh chặn tên lửa GMLRS của hệ thống M142 HIMARS.