Hạm đội tàu phá băng khổng lồ của Nga đã trở thành mối đe dọa lớn đối với lợi ích quốc gia của Washington ở Bắc Cực, hai nhà phân tích người Mỹ Jackson Clarke và James Dee Payne đến từ tạp chí The Daily Signal cho biết.
Bắc Cực là một khu vực quan trọng đối với Mỹ do các tuyến đường thương mại quan trọng đi kèm lượng tài nguyên thiên nhiên phong phú. Theo giới phân tích, Washington hiện không thể bảo vệ lợi ích của mình ttại Bắc Băng Dương, do Nga được trang bị và chuẩn bị tốt hơn nhiều.
Hai chuyên gia Mỹ nhận định: “Nếu Mỹ không kháng cự, các nước như Nga và Trung Quốc sẽ tiếp tục phát huy ảnh hưởng của mình trong khu vực và có thể giành quyền kiểm soát thương mại thông qua các tuyến đường mới”.
Ấn phẩm The Daily Signal nhận định rằng Mỹ còn kém xa Nga về khả năng thúc đẩy các lợi ích của mình ở Bắc Cực. Để khắc phục điều này, Mỹ cần xây dựng một hạm đội tàu phá băng mạnh, có khả năng hoạt động ở cả hai cực của Trái đất.
Nga gần đây đã đưa vào vận hành một số tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong khi Mỹ chưa có chiếc nào được đóng mới kể từ thời điểm năm 1999 cho tới tận ngày nay.
Các tàu đang vận hành của Mỹ thường xuyên bị hỏng hóc do làm việc quá tải. Trong khi đó, ngay cả Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh vào việc đóng những con tàu như vậy, tất cả bước đi của Bắc Kinh đều thể hiện mong muốn trở thành một cường quốc ở Bắc Cực.
“Trung Quốc tự coi mình là một quốc gia cận Bắc Cực, bất chấp thực tế là kết nối giữa phần đất liền gần nhất của họ với khu vực này cách xa tới hơn 900 hải lý".
"Bắc Kinh đã chi những khoản tiền đáng kể để mở rộng ảnh hưởng tại Bắc Cực, thông qua việc xây dựng các cơ sở nghiên cứu, thương mại qua các vùng biển đóng băng và phát triển quan hệ với các quốc gia thuộc vòng Bắc Cực”, các chuyên gia nêu rõ.
Nga có đội tàu phá băng lớn nhất thế giới với hơn 40 chiếc. Và không dừng lại ở đó, Moskva còn lên kế hoạch đóng mới những con tàu phá băng được trang bị vũ khí mạnh như chiếc Ivan Papanin nhằm giữ vững ưu thế tuyệt đối.
Moskva đang chuẩn bị một cách rất tích cực để biến tuyến đường biển ở Bắc Cực trở nên phù hợp cho việc vận tải thủy quanh năm, và những con tàu này phá băng cỡ lớn sẽ giúp nước này kiểm soát các địa điểm hay tuyến đường nói trên.
Trong khi đó, tàu phá băng của Mỹ hầu hết đều đang ở trong tình trạng kỹ thuật tồi tệ. Đội tàu phá băng của Mỹ không đáp ứng được yêu cầu và chỉ số lượng còn lại rất khiêm tốn: chỉ có hai tàu.
Hai tàu phá băng ở vùng cực thuộc loại hạng nặng như chiếc Polar Star và tàu phá băng cỡ trung bình mang tên Healy của Mỹ đều già đi nhanh chóng và chúng cần được bảo dưỡng nhiều sau mỗi chuyến ra khơi.
Việc bây giờ Mỹ mới bắt tay xây dựng hạm đội tàu phá băng nhằm giành được lợi thế trong cuộc tranh chấp Bắc Cực rõ ràng là rất muộn.
Tuy vậy muộn còn hơn không, với tiềm lực kinh tế cũng như khoa học kỹ thuật của mình, dự báo Mỹ có thể đuổi kịp, thậm chí vượt xa Nga trong tương lai không xa, đặc biệt khi Moskva đang phải hứng chịu lệnh cấm vận nặng nề.