Mỹ trừng phạt Nga: Tiêu chuẩn kép trứ danh của phương Tây

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tiêu chuẩn kép của Mỹ được thể hiện ở điểm: Trừng phạt Nga trong khi vẫn cần Điện Kremlin giải quyết các sự vụ quốc tế, cấm đồng minh giao dịch nhưng bản thân mình lại mua rất nhiều sản phẩm của Nga.

Báo Mỹ nghi ngờ hiệu quả lệnh trừng phạt Nga

Theo một số báo cáo, Mỹ và Liên minh châu Âu đang xem xét khả năng đưa ra các biện pháp trừng phạt, trong đó bao gồm cả việc hạn chế trao đổi tiền tệ nếu Nga "tấn công xâm lược" Ukraine.

Các hạn chế này có thể ảnh hưởng đến các ngân hàng lớn nhất ở Liên bang Nga và Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF).

Ngoài ra, một trong những hạn chế có nhiều khả năng xảy ra nhất là quy đổi rub thành dollars và các ngoại tệ khác, bao gồm euro và bảng Anh.

Tờ báo Mỹ The New York Times đã phỏng vấn một số chuyên gia phương Tây về quan hệ với Nga và nhận được câu trả lời là, các biện pháp trừng phạt cứng rắn mà Mỹ đã hứa sẽ áp đặt đối với Nga nếu nước này xâm lược Ukraine có “tác động không đáng” kể đến Điện Kremlin.

Theo chuyên gia Patricia Cohen, lịch sử đã chứng minh rằng, những hạn chế kinh tế thường mang lại kết quả trái ngược. Hạn chế kinh tế mang tới kết quả tiêu cực, trong khi trừng phạt kinh tế đem đến thành công lớn hơn.

Theo ông, những hành động của Mỹ nhắm vào thành phần chính của nền kinh tế Nga là xuất khẩu dầu sẽ có tác động nghiêm trọng đến các đồng minh của Mỹ ở châu Âu.

Theo ý kiến ​​của tác giả, điều này cũng áp dụng cho dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc-2” (Nord Stream 2) xuyên đáy biển Baltic sang châu Âu. Nếu áp lệnh trừng phạt với Gazprom thì bước đi này sẽ ảnh hưởng đến cả Nga lẫn châu Âu.

Hiện nay, châu Âu đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ khi giá khí đốt đã tăng cao hơn 2 lần so với hồi đầu năm. Nguyên nhân chính được cho là do nguồn cung cho châu Âu không đủ, trong khi châu Á lại đang là cái rốn hút khí đốt của thế giới.

Mỹ đã cố gắng nhưng không ngăn chặn được dự án “Dòng chảy phương Bắc-2” của Nga
Mỹ đã cố gắng nhưng không ngăn chặn được dự án “Dòng chảy phương Bắc-2” của Nga

Do đó, nếu Mỹ tiếp tục áp lệnh trừng phạt với các dự án dầu mỏ và khí đốt của Nga, đó sẽ là đòn đánh trực tiếp vào châu Âu.

Ông Patricia Cohen dẫn lời các nhà phân tích kết luận rằng, việc ngắt kết nối Nga khỏi hệ thống SWIFT có thể là biện pháp hiệu quả nhất. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng điều này sẽ buộc Nga phải từ bỏ đường hướng chính sách đối ngoại của mình.

Số lệnh trừng phạt kỷ lục và tiêu chuẩn kép của Mỹ

Vào cuối tháng 10, tờ Washington Post của Mỹ đã tập hợp số liệu và phân tích tổng quan các biện pháp trừng phạt mà Nhà Trắng ban hành từ trước đến nay và đi đến kết luận rằng, phương pháp gây áp lực kinh tế mà chính quyền Hoa Kỳ ưa dùng có hiệu suất rất thấp.

Tổng cộng, tính đến tháng 10 năm 2021, chính quyền Washington đã công bố tất cả những loại biện pháp hạn chế khác nhau lên tới 9.421 lần, tức là nhiều hơn gấp 10 lần so với số lệnh trừng phạt kể từ sau vụ tấn công khủng bố vào Tòa tháp đôi New York ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Theo số liệu trong bài viết, chính quyền Donald Trump đã phá kỷ lục về số lượng lệnh trừng phạt ban hành. Tính từ năm 2016 đến năm 2020, trong danh sách trừng phạt có khoảng 3.800 cá nhân và pháp nhân, cũng như các chủ thể Nhà nước của Liên bang Nga; trong khi người tiền nhiệm Barack Obama chỉ thông qua 2.350 lệnh trừng phạt trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai.

Số liệu cho thấy, những lý do mới cho sự trừng phạt xuất hiện liên tục. Mỹ đã ban hành lệnh trừng phạt đối với Nga trong nhiều vụ việc, trên tất cả các lĩnh vực, nói tóm lại là về bất cứ cái gì Mỹ có thể tìm được cớ để trừng phạt, nhưng cấp độ cùng với mức độ quan trọng của các chủ thể của nó cũng giảm đi theo thời gian.

Những đối tượng bị trừng phạt ban đầu là lãnh đạo và quan chức cao cấp Nga, cùng với các công ty, tập đoàn lớn của Nhà nước; sau đó hạ thấp dần xuống các quan chức và doanh nghiệp cỡ vừa, rồi đến các doanh nhân và công ty cấp thấp, thậm chí là có những cái tên bị trừng phạt mà không ai biết họ đã làm gì.

Mỹ lách lệnh trừng phạt Nga để mua động cơ RD-180 cho tên lửa Atlas V
Mỹ lách lệnh trừng phạt Nga để mua động cơ RD-180 cho tên lửa Atlas V

Vấn đề chính của cách tiếp cận này là nguy cơ Mỹ gây ra mâu thuẫn lớn đối với cả những đối tác thân thiện nhất trong khối NATO, cùng với đó là những tác dụng ngược đối với chính trị, kinh tế của chính mình. Trong nhiều trường hợp, chính quyền Washington đã phải cấp giấy phép hợp tác với các tổ chức nằm trong danh sách trừng phạt, bỏ qua các quyết định trước đó.

Ví dụ như Lầu Năm Góc đã phải phớt lờ lệnh cấm của quốc hội để mua động cơ RD-180 cho tên lửa Atlas V và RD-181 cho tên lửa Antares; còn Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) vẫn phải mua chỗ cho các phi hành gia Mỹ bay lên trạm Trạm Không gian Quốc tế (ISS) trên các tàu vũ trụ Soyuz của Nga.

Hoặc khi cần, Mỹ đã “dỡ bỏ tạm thời” các biện pháp trừng phạt đối với Rosoboronexport và Kalashnikov của Nga để mua sắm trực thăng Mi-17, súng trường Kalashnikov, cảm biến quang-điện cho máy chụp ảnh trên không…, để cung cấp cho lực lượng vũ trang Afghanistan.

Ngoài ra, mặc dù cấm các đồng minh giao dịch thương mại với Nga nhưng chính Mỹ vẫn tiếp tục mua dầu thô, khí đốt, kim loại hiếm, titan và uranium, ngũ cốc, gỗ, thép…, của Nga.

Thực tế cho thấy, những “nguyên tắc” mang tính bất biến và buộc phải tuân theo đối với Mỹ chỉ là một khái niệm mang tính tương đối. Nếu có thể thu về lợi ích to lớn, các nguyên tắc sẽ bị bỏ qua, "bàn tay ảo thuật" của Mỹ có thể lách qua bất cứ lệnh trừng phạt nào để giành lấy lợi ích của mình.

Việc Washington tìm cách né tránh lệnh trừng phạt do chính mình ban hành, trong khi vẫn cấm các đồng minh được tiến hành các giao dịch kinh tế, quân sự với Nga đã nói lên sự “linh hoạt” tuyệt vời, hay nói thẳng là là các “tiêu chuẩn kép” trứ danh của các nhà chức trách Mỹ.