‘Chiến tranh lai’ của Nga: Thách thức của NATO trong 10 năm tới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  ‘Chiến tranh lai’ của Nga sẽ là vấn đề trọng tâm trong hệ thống phát triển mới về lí luận và Chiến lược An ninh Tập thể của NATO trong 10 năm tới.

Phó Thủ tướng phụ trách hội nhập châu Âu và châu Âu-Đại Tây Dương của Ukraine là bà Olha Stefanishyna phát biểu tại Diễn đàn Kiev Stratcom rằng, để ứng phó với Nga, NATO phải xem xét lại hệ thống an ninh tập thể của mình.

Ukrinform đưa tin, Diễn đàn Kyiv Stratcom là sự kiện quốc tế đầu tiên về truyền thông chiến lược được tổ chức tại Kiev - thủ đô Ukraine, trong hai ngày 7 và 8-12-2021, trong đó, đặc biệt bàn về khái niệm “Chiến tranh lai” (“Chiến tranh hỗn hợp” - “Hybrid war” hoặc “Hybrid Warfare”).

Diễn đàn do Trung tâm Truyền thông Chiến lược và An toàn Thông tin tổ chức, những người tham gia gồm có các nhà ngoại giao NATO và EU, các quan chức Ukraine và các thành viên của các tổ chức phi chính phủ Ukraine chuyên về công tác truyền thông chiến lược và chống thông tin sai lệch.

‘Chiến tranh lai’ là cuộc chiến áp dụng nhiều biện pháp, tác động đến nhiều lĩnh vực, hình thành nhiều mặt trận khác nhau
‘Chiến tranh lai’ là cuộc chiến áp dụng nhiều biện pháp, tác động đến nhiều lĩnh vực, hình thành nhiều mặt trận khác nhau

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Ukraine Olha Stefanishyna cho biết, vấn đề “Chiến tranh lai” sẽ là nền tảng của hệ thống phát triển mới về lí luận của NATO trong 10 năm tới, nhằm bảo đảm sự ổn định của hệ thống an ninh tập thể. Khái niệm trước đó, được phê duyệt vào năm 2010, mang tính định hướng quân sự nhiều hơn.

Vị nữ Phó Thủ tướng này cho biết thêm, Diễn đàn Kiev Stratcom đang diễn ra trong bối cảnh NATO đang soạn thảo chiến lược phát triển trong 10 năm tiếp theo, dự kiến ​​sẽ được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Madrid vào tháng 6 tới.

Trong bối cảnh này, điều quan trọng là Ukraine phải hình thành sự tự nhận thức và xây dựng những lí luận của mình về “Chiến tranh lai” và trình bày với các đối tác; đồng thời truyền bá chúng ở trong nước để người dân hiểu hiểu thông tin sai lệch là gì và cách giải quyết chúng, bà Stefanishyna nói thêm.

Mục đích chính của những hoạt động này là đảm bảo định hướng thông tin chiến lược và tập hợp mọi nguồn lực trong cuộc chiến chống “Chiến tranh hỗn hợp”. Đây là những yếu tố sống còn của sự ổn định quốc gia.

Theo bà Stefanishyna, điều quan trọng đối với Ukraine là phải nỗ lực quảng bá những hình ảnh tích cực và những câu chuyện tốt đẹp của chính mình, bởi vì chống lại những thông tin sai lệch chỉ thông qua những câu chuyện phản bác không phải lúc nào cũng là một biện pháp hiệu quả.

Phó thủ tướng cũng nhắc lại rằng, vào tháng 8 năm 2021, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ban hành sắc lệnh của mình, thông qua quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia “Về việc đưa ra khái niệm ổn định quốc gia”, trong đó bao hàm cả vấn đề chống “Chiến tranh lai”.

“Ngày nay, chúng tôi đang bắt đầu hình thành một số giao thức nhất định để đất nước hoạt động trong điều kiện có nhiều hình thức xâm lược quân sự và phi quân sự. Là một phần của việc thực hiện khái niệm nêu trên, chúng tôi đã thành lập ‘Trung tâm Hợp tác Hoàn hảo’ (Center of Excellence for Cooperation) với NATO” - Olha Stefanishyna nói.

Bộ trưởng Bộ Chính sách Văn hóa và Thông tin Ukraine Oleksandr Tkachenko cũng phát biểu tại diễn đàn rằng, Trung tâm Truyền thông Chiến lược và An ninh Thông tin mới thành lập được hoạch định chuyên chống lại thông tin sai lệch và tin tức giả mạo.

“Đạn của súng giết chết thể xác, đạn thông tin giết chết tinh thần. Đây là cuộc chiến được tiến hành trên hai mặt trận, nhằm gây mất ổn định Ukraine, gieo rắc hoảng sợ, dẫn đến bất ổn, hỗn loạn ở Ukraine” - ông Tkachenko nói thêm.

Theo người đứng đầu Bộ Chính sách Văn hóa và Thông tin Ukraine, trung tâm này sẽ hợp tác chủ yếu với các tổ chức công, sự hợp tác như vậy cho phép hoạt động như một mặt trận thống nhất, đảm bảo thắng lợi cho Ukraine và NATO trước “Chiến tranh lai” của Nga.