"Một thập niên bất ổn"

ANTĐ - Có ý kiến cho rằng cuộc trưng cầu ý dân của Anh ngày 23-6 còn “đáng sợ và quan trọng hơn” so với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11. Để rồi, ngày 24-6, người dân Anh đã có một quyết định lịch sử khi đa số họ lựa chọn phương án Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. với vai trò quan trọng của nền kinh tế Anh, tác động của Brexit (kịch bản Anh rời EU) đối với hệ thống tài chính toàn cầu là không nhỏ. thậm chí cú sốc chính trị vẫn còn tác động lên chính nước anh.

"Một thập niên bất ổn"  ảnh 1

Đe dọa nền kinh tế

Chỉ vài giờ sau khi kết quả trưng cầu ý dân được công bố, đồng Bảng Anh bắt đầu lao dốc, các thị trường tài chính trở nên hỗn loạn, nhiều người dân Anh sững sờ với tuyên bố từ chức của Thủ tướng Cameron, người đã đặt cược cả sinh mệnh chính trị của mình vào cuộc bỏ phiếu. Thực tế, Thủ tướng Cameron đã cảnh báo từ trước nguy cơ Brexit sẽ đe dọa kinh tế, tài chính và an ninh quốc gia của Anh. Việc Anh rời EU, Citibank dự báo Anh có thể mất 75.000 việc làm vào năm 2030.

Bi quan hơn, một số giới chức Anh cho rằng khoảng 820.000 việc làm sẽ bị mất. Thực tế một số doanh nghiệp toàn cầu đã ám chỉ có thể chuyển nhân sự khỏi Anh, gần đây nhất là JPMorgan. Về phía Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) phải tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, có thể hạ lãi suất xuống mức 0%.

Các ngân hàng lớn khác dự báo việc rời khỏi EU làm thiệt hại 2,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh, thậm chí đẩy nền kinh tế Anh rơi vào suy thoái bởi điều kiện xuất khẩu khó khăn hơn có thể tác động bất lợi đến một số lĩnh vực như tài chính, xuất khẩu, bán lẻ và bất động sản bởi hơn một nửa số hàng hóa xuất khẩu của Anh hiện có điểm đến là các nước EU, đóng góp từ 4-5% GDP.

Ngoài ra nó còn tác động bất lợi đến hoạt động kinh tế và đầu tư, gây khó khăn cho nỗ lực của Chính phủ trong việc giảm thâm hụt ngân sách, trong khi người dân Anh khó lòng duy trì mức chi tiêu hiện nay một khi chi phí nhập khẩu tăng.

Moody’s - Hãng xếp hạng tín nhiệm nhận định thiệt hại về kinh tế từ việc Anh rời EU sẽ lớn hơn những lợi ích kinh tế mà nó đem lại. Nếu Anh không đàm phán được một thỏa thuận thương mại với EU nhằm giữ lại ít nhất được một số lợi ích thương mại, xuất khẩu của Anh sẽ chịu tổn thất và tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư. Nhiều công ty đang bán các mặt hàng sản xuất từ nhà máy tại Anh sang các nước EU khác, nhưng với việc Anh rời đi, việc này sẽ khó khăn hơn. Tất cả những hệ quả này một số nhà vận động rời EU cũng phải thừa nhận.

Cú sốc với thị trường tài chính 

Các nhà phân tích của Ngân hàng Đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs dự đoán đồng Bảng Anh - một trong những đơn vị tiền tệ mạnh nhất thế giới - có thể sẽ sụp đổ và mất đến 20% giá trị. Theo nhà kinh tế David Page thuộc AXA Investment Managers, những bất ổn xung quanh việc Anh rời EU ước tính làm giá đồng Bảng Anh giảm tối thiểu 3,5%.

Với mức giảm 3% từ đầu năm 2016 đến nay, Bảng Anh là đồng tiền giảm giá mạnh nhất trong số các đồng tiền chủ chốt của thế giới đẩy nước Anh đứng trước nguy cơ mất đi vị trí trung tâm tài chính toàn cầu. Đối với các khách hàng mua trái phiếu trên toàn cầu, chủ yếu tại châu Á, châu Âu và Mỹ thì e ngại về tác động của Brexit đối với các công ty và ngân hàng của Anh nói riêng và hệ thống ngân hàng châu Âu nói chung. Thị trường cổ phiếu rớt giá trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại.

Ngoài ra, ngành ngân hàng, vốn đóng góp tới 8% tổng sản lượng kinh tế Anh cũng sẽ bị ảnh hưởng khi Anh không còn là thành viên của EU. Giới chuyên gia nhận định nhiều khả năng các ngân hàng quốc tế lớn như Bank of America, Morgan Stanley hay Citigroup sẽ chuyển sang một nước EU khác để trực tiếp kết nối với thị trường rộng lớn chứ không còn mặn mà với Anh như trước.

Hãng Rolls-Royce chuyên sản xuất hệ thống năng lượng, vũ khí và hàng không cho rằng Brexit có thể khiến nhà máy thử nghiệm bộ phận động cơ xe ở Đức đứng trước nhiều rủi ro, cũng như khiến lợi thế cạnh tranh rơi vào tay các đối thủ Mỹ… Người ta đã ví von rằng, sau 43 năm gắn bó, “chia tay” EU, Anh sẽ bước vào “một thập niên bất ổn”. Hãy tiếp tục chờ xem!