Trước diễn biến trên, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga (CAST) - ông Ruslan Pukhov đã bày tỏ quan điểm trong một cuộc trò chuyện trên trang WarGonzo.
Mở đầu cuộc phỏng vấn, chuyên gia người Nga nhấn mạnh, Pháp không tiết lộ số lượng tiêm kích được bàn giao nhưng có lẽ chỉ khoảng 6 - 12 chiếc, bởi vì hiện tại theo các nguồn tin công khai, có 10 phi công Ukraine đang được đào tạo gần Paris.
Theo số liệu thống kê, Không quân Pháp có tổng cộng 26 chiến đấu cơ Mirage 2000-5F một chỗ, chúng vào biên chế giai đoạn 1997 - 2000 sau khi 37 chiếc Mirage 2000C chế tạo vào những năm 1980 "nhận sổ hưu".
"Cơ sở của việc hiện đại hóa là thay thế radar RDI bằng loại RDY hiện đại hơn, trang bị tên lửa không đối không MICA đời mới, tích hợp cho máy bay khả năng mang khí tài ngắm bắn treo ngoài và vũ khí dẫn đường không đối đất", chuyên gia người Nga giải thích.
Ông Pukhov nhấn mạnh rằng Không quân Pháp sử dụng những chiếc tiêm kích nói trên cho nhiệm vụ phòng không, mặc dù chúng vẫn được coi là chiến đấu cơ đa năng.
Để thực sự trở thành tiêm kích đa nhiệm, Pháp cần trang bị cho Mirage 2000-5F những vũ khí không đối đất mới, chẳng hạn như bom dẫn đường AASM Hammer và tên lửa hành trình SCALP-EG, cũng như hệ thống ngắm bắn hiện đại hóa.
Với sự bổ sung tiêm kích Mirage 2000-5F, Không quân Ukraine sẽ gặp gánh nặng hậu cần khi đội ngũ thợ kỹ thuật phải bảo trì cả máy bay Liên Xô hiện còn trong biên chế (MiG-29, Su-27, Su-25 và Su-24M), kèm theo F-16AM/BM từ một số quốc gia châu Âu khác.
Nhà phân tích người Nga nhấn mạnh, Không quân Ukraine sẽ phải khai thác những tiêm kích không phải là mới, có những tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau, đồng thời đã hoạt động trong thời gian khá dài.
"Ngoài ra Kyiv còn có kế hoạch tiếp nhận tiêm kích Saab JAS-39C/D Gripen từ Thụy Điển. Tất nhiên điều này sẽ trở thành cơn ác mộng về hậu cần đối với Không quân Ukraine, tình hình càng trầm trọng hơn khi họ nhận thêm Mirage 2000-5F".
"Phải lưu ý, Mirage 2000-5F hoàn toàn không tương thích về mặt trang bị và vũ khí với các tiêm kích F-16 được Ukraine chọn làm tiêm kích chủ lực cho tương lai (không giống như Gripen, ít nhất có vũ khí được tiêu chuẩn hóa với F-16)", chuyên gia Pukhov nhận xét.
Ông Pukhov nói thêm, mọi ồn ào về việc cung cấp Mirage 2000-5F cho Ukraine rõ ràng chỉ mang tính chất chính trị, khi chúng không giúp tăng cường tiềm lực của Không quân Ukraine mà sẽ là "một chiếc vali thiếu tay cầm", khi khó mang theo nhưng vứt đi thì lại tiếc nuối.
"Tất nhiên, vẫn phải nhấn mạnh điều này không có nghĩa là các phi công Nga sẽ thoải mái trước sự xuất hiện của một đối thủ khác có năng lực tác chiến khá mạnh xuất hiện trên bầu trời", ông Pukhov kết luận.
Trong diễn biến đáng quan tâm khác, thông tin từ Paris cho rằng Ukraine sẽ nhận được tới 20 tiêm kích Mirage 2000-5F, tức là toàn bộ phi đội của họ thay vì chỉ khoảng 10 - 12 chiếc như dự đoán của ông Pukhov.
Đáng ngại nhất, ngoài chức năng đánh đất, Mirage 2000-5F còn có khả năng mang tên lửa chống hạm AM-39 Exocet Block II, đủ sức khiến toàn bộ tàu chiến của Hạm đội Biển Đen không thể ra khơi, nếu không muốn bị bắn chìm toàn bộ trong thời gian ngắn.