"Đơn vị tên lửa chiến thuật Iskander-M đã tập kích tổ hợp phòng không Patriot Ukraine gần làng Pashena Balka tại tỉnh Dnipro. Cuộc tấn công đã phá hủy đài chỉ huy AN/MSQ-104, radar đa năng AN/MPQ-65 và hai bệ phóng, khiến nhiều binh sĩ Ukraine thiệt mạng", Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm 9/10.
Quân đội Nga sau đó công bố video được quay từ máy bay không người lái theo dõi trận địa phòng không Patriot triển khai trên đồng trống, gồm đài chỉ huy AN/MSQ-104 nằm cạnh radar hỏa lực AN/MPQ-65, cùng 4 bệ phóng bố trí xung quanh.
Khẩu đội phòng không Patriot phóng liên tiếp hai đạn, dường như để đánh chặn tên lửa Iskander-M Nga đang lao tới, nhưng nỗ lực không thành công.
Tên lửa Nga kích hoạt đầu đạn trên không nhằm gây tối đa sát thương. Hình ảnh từ UAV cho thấy vụ nổ chệch vị trí đài chỉ huy và radar dẫn bắn, nhưng lượng lớn mảnh văng và sức ép vẫn trùm kín mục tiêu.
Nhiều khả năng quả đạn Iskander-M đã phá hủy hoàn toàn hoặc làm hư hại nặng đài chỉ huy cùng radar, do đây là những khí tài không có vỏ giáp và chứa nhiều thiết bị điện tử tinh vi, dễ bị hư hại.
Đòn đánh cũng vô hiệu hóa khẩu đội Patriot của Ukraine, bởi các bệ phóng không thể hoạt động nếu thiết đài chỉ huy và radar hỏa lực.
Tên lửa Iskander thứ hai đánh xuống rặng cây sát một bệ phóng, nhưng chưa rõ mức độ thiệt hại.
Quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin được phía Bộ Quốc phòng Nga đưa ra.
Trong thông báo ngày 9/10, Bộ tư lệnh không quân Ukraine cho biết Nga phóng ba tên lửa Iskander-M và 22 máy bay không người lái tự sát nhằm vào nước này.
Hệ thống phòng không Patriot do hãng Raytheon chế tạo, đã được đưa vào sử dụng từ những năm 1980. Thành phần cốt lõi bao gồm radar AN/MPQ-53/65, hoạt động trong dải tần số 4-8 GHz. Điều này cho phép hệ thống phát hiện và theo dõi nhiều mục tiêu cùng một lúc.
Với khả năng phát hiện mục tiêu cách xa tới 150 km, Patriot hiện là một trong số những loại tên lửa phòng không đáng gờm.
Patriot cũng có thể bắn nhiều loại tên lửa, trong đó có tên lửa MIM-104C/D, có khả năng đạt tốc độ lên tới Mach 4.5 và tấn công mục tiêu ở độ cao từ 18.000 đến 24.000 mét.
Hệ thống Patriot được chế tạo để có thể hoạt động trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau, cùng với đó là có thể chống lại được nhiễu điện tử.
Hệ thống Patriot đa năng này có thể truyền dữ liệu mục tiêu và phối hợp các biện pháp phản ứng bằng hệ thống băng thông Link 16, từ đó cho phép chia sẻ thông tin nhanh chóng với các nền tảng và trung tâm chỉ huy khác.
Hơn nữa, hệ thống phòng không Patriot tự hào có nhiều biến thể khác nhau như PAC-2 và PAC-3, từ đó tăng cường độ chính xác và hiệu quả chống lại các mối đe dọa.
Đáng chú ý, phiên bản PAC-3 có khả năng tự dẫn radar chủ động, giúp tăng cường khả năng thành công trong việc đối đầu với mục tiêu. Tại Ukraine, Patriot cũng không ít lần thành công trong việc tiêu diệt mục tiêu của Nga, trong đó có cả tên lửa siêu vượt âm Kh-47.