Không quân Ba Lan đang là khách hàng lớn nhất của tiêm kích FA-50 do Hàn Quốc sản xuất, Warsaw đã có tính toán khá hợp lý khi đặt niềm tin vào chiếc chiến đấu cơ giá rẻ này.
Ba Lan dự kiến sẽ nhận 12 chiếc FA-50 đầu tiên theo cấu hình Block 10, sau đó sản xuất tại chỗ 36 chiến đấu cơ khác thuộc biến thể FA-50PL (Block 20) và tiếp tục nâng cấp lô đầu tiên lên cấp độ này.
Nếu mọi việc thuận lợi, Không quân Ba Lan sẽ có 4 phi đội tiêm kích hạng nhẹ có khả năng sử dụng mọi loại vũ khí hiện đại, từ bom dẫn đường độ chính xác cao đến tên lửa hành trình không đối đất và cả tên lửa không đối không tầm xa AIM-120 AMRAAM.
Số tiền mà Ba Lan dự định chi trả ước tính vào khoảng 3 tỷ USD, trong đó 700 triệu USD cho 12 chiếc FA-50 Block 10; 2,3 tỷ USD cho phiên bản FA-50PL, tức là 63,8 triệu USD cho một chiến đấu cơ có năng lực ở mức đáng kể.
Tiêm kích FA-50 hoàn toàn có thể đảm nhiệm vai trò "chiến đấu cơ hạng hai" là sự bổ sung rẻ tiền nhưng cực kỳ hiệu quả cho phi đội 50 chiếc F-16 Block 52 và 32 chiếc F-35A Block 4 của Không quân Ba Lan sau khi đã tặng toàn bộ những chiếc MiG-29 cho Ukraine.
Nhưng trở ngại đã tới liên quan đến vũ khí, bởi Mỹ vẫn chưa đồng ý tích hợp tên lửa AIM-120 AMRAAM vào tiêm kích FA-50, nếu điều này xảy ra, Không quân Ba Lan chỉ có thể sử dụng tên lửa AIM-9X tầm bắn 30 - 40 km thay vì AIM-120C-8 với cự ly tác chiến 160 - 180 km.
Để giải quyết vấn đề, Bộ Quốc phòng Ba Lan đã phải làm việc trực tiếp với Lầu Năm Góc, Warsaw nhắc nhở Washington về sự cần thiết phải có một lực lượng không quân mạnh của NATO nằm sát lãnh thổ Nga và Belarus.
Bên cạnh đó Tập đoàn KAI của Hàn Quốc cũng rất tích cực tham gia quá trình đàm phán, nhất là khi họ đã bắt đầu lắp ráp chiếc tiêm kích FA-50PL đầu tiên theo hợp đồng với Ba Lan.
Nếu mọi việc thuận lợi, dự kiến việc sửa đổi phần mềm để tiêm kích FA-50 bắn được tên lửa AIM-120 cũng kéo dài tới vài năm, ngoài ra còn một yếu tố nữa có thể khiến tiến trình gặp trắc trở nghiêm trọng.
FA-50 đang gây tiếng vang lớn, ngoài Ba Lan, chiếc chiến đấu cơ phát triển từ máy bay huấn luyện này đang được Indonesia, Iraq, Philippines, Malaysia, Bulgaria và một số nước khác quan tâm khi họ muốn nâng cao sức mạnh không quân với chi phí thấp.
Trong khi đó Mỹ đang chuẩn bị giới thiệu phiên bản chiến đấu của máy bay huấn luyện T-7A Red Hawk có tên gọi F-7, rõ ràng Washington cảm thấy lo ngại sản phẩm của mình bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi FA-50.
Nhưng quá trình phát triển chiếc F-7 của Mỹ vẫn đang bị chậm trễ, ngoài ra dù chưa rõ giá bán của F-7 Red Hawk nhưng theo nhận xét sẽ cao hơn FA-50 Block 20 khá nhiều.
Khi mất lợi thế cạnh tranh, việc Mỹ cần làm chính là bổ sung thêm các phương án mà đối thủ sẽ không có. Đó là lý do tại sao Washington không cấp phép tích hợp tên lửa AIM-120 AMRAAM cho FA-50.
Mặc dù vậy, nếu quá trình đàm phán thất bại, Tập đoàn KAI sẽ cố gắng tích hợp các tên lửa không đối không khác như Meteor của châu Âu với tầm bắn 200 km, hay I-Derby ER của Israel có cự ly tác chiến 100 km như một giải pháp thay thế đầy tiềm năng.