Khoảng trống quyền lực ở Sri Lanka

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau khi hàng chục nghìn người biểu tình buộc Tổng thống và Thủ tướng Sri Lanka phải rời khỏi tư dinh từ cuối tuần trước, hai nhà lãnh đạo vẫn chưa xuất hiện trước công chúng. Được biết, hai người này đang ở những địa điểm bí mật được bảo vệ chặt chẽ.
Người biểu tình Sri Lanka tràn vào Dinh thự Tổng thống ở Colombo hôm 9-7

Người biểu tình Sri Lanka tràn vào Dinh thự Tổng thống ở Colombo hôm 9-7

Cuộc suy thoái kinh tế ở Sri Lanka đã kéo theo làn sóng biểu tình phản đối cách thức ứng phó của chính phủ nước này. Vài giờ trước khi những người biểu tình bắt đầu tuần hành tới Dinh Tổng thống ở Thủ đô Colombo vào sáng 9-7, cảnh sát đã thông báo thi hành lệnh giới nghiêm. Trong bối cảnh hỗn loạn đó, người ta tin rằng lực lượng an ninh đã sắp xếp để Tổng thống Gotabaya Rajapaksa trốn đến một nơi an toàn hơn.

Nhà báo và nhà phân tích chính trị Kusal Perera nhận định, ông Gotabaya có thể được đưa đến đến một trại hải quân thông qua một boongke ngầm được xây dựng dưới thời Tổng thống Mahinda Rajapaksa, anh trai ông Gotabaya. Từ đó, nhà lãnh đạo 73 tuổi có thể đã được đưa lên tàu hải quân qua cảng Colombo. “Nhưng tôi thực sự không biết con tàu đó hiện đang ở đâu. Đây chỉ là một tính toán sơ bộ”, Perera, một cộng sự thân cận của ông Mahinda, cho biết. Nhiều phương tiện truyền thông dẫn nguồn tin quân sự cũng cho biết, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa hiện đang đi trên một tàu hải quân trên biển.

Có rất nhiều đồn đoán trên mạng xã hội từ những hình ảnh về hai tàu hải quân đang chất hành lý một cách vội vàng cách đó vài ngày. Có người cho rằng nhà lãnh đạo Sri Lanka đang ẩn náu trong một doanh trại phía Đông Bắc nước này. Người khác đoán rằng ông Gotabaya đang ở trong một khu quân sự quốc phòng lớn gần quốc hội, ngay bên ngoài thành phố, nhưng không có xác nhận cho bất kỳ tuyên bố nào trong số này.

Về phần mình, Tổng thống Rajapaksa mới đây tuyên bố, ông sẽ chỉ liên lạc thông qua người phát ngôn của Quốc hội. Những thông báo từ người này phải được coi là tuyên bố chính thức của Tổng thống. Trước đó, phát biểu tại Quốc hội hôm 9-7, ông Rajapaksa thông báo sẽ từ chức vào ngày 13-7. Tuy nhiên, nhiều người ở Sri Lanka không tin vào lời ông nói và tin rằng Rajapaksa một lần nữa đang cố “câu giờ”, hy vọng sự phẫn nộ của dân chúng sẽ được xoa dịu bớt nếu nguồn cung cấp nhiên liệu và khí đốt trở nên tốt hơn.

Trong khi đó, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã trở thành người vô gia cư sau khi ngôi nhà của gia đình ông đã sống nhiều đời tại Colombo bị phóng hỏa trong cuộc hỗn loạn hôm 9-7. Hiện ông vẫn làm các nhiệm vụ chính thức tại văn phòng thủ tướng trong tình trạng an ninh nghiêm ngặt. Tại một cuộc họp vào sáng 11-7, một số bộ trưởng nội các đã đồng ý bàn giao cho một chính phủ mới “ngay khi có thỏa thuận thành lập chính phủ”, văn phòng của ông Wickremesinghe cho biết.

Dinh thự chính thức của Thủ tướng hiện đang bị những người biểu tình chiếm giữ nên ông đã được lực lượng an ninh sắp xếp nơi nào đó bí mật bên ngoài. “Đối với chúng tôi, việc ông ấy ở đâu không quan trọng. Ông ấy vẫn đến văn phòng của Thủ tướng và tham dự các cuộc họp”, Bộ trưởng phụ trách an ninh công cộng Sri Lanka cho biết.

Các chuyên gia cho rằng ông Wickremesinghe, người đã vài lần tranh cử Tổng thống nhưng không thành công, cũng muốn kế nhiệm ông Rajapaksa. Tuy nhiên, gia tộc Rajapaksa không sẵn sàng mở đường cho một nhiệm kỳ tổng thống của ông Wickremesinghe, ngay cả khi chỉ là tạm thời. Họ muốn Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardene, một người thân của ông Rajapaksa, kế nhiệm tổng thống.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 11-7, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka cho biết Quốc hội sẽ nhóm họp trở lại vào ngày 15-7 và bầu tổng thống mới vào ngày 20-7. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Sri Lanka tiến hành quá trình chuyển đổi chính phủ suôn sẻ và đưa ra “các giải pháp bền vững” cho cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại.