Sri Lanka và cuộc khủng hoảng cạn kiệt thuốc men

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chandrapala Weerasuriya không thể nhớ lần cuối mình uống thuốc là khi nào. Doanh nhân đã nghỉ hưu 67 tuổi, sống ở quận Gampaha của Sri Lanka, luôn phải uống thuốc trị chứng bệnh thần kinh di truyền nhưng gần đây, ông không thể tìm đâu được thuốc để mua uống. Đơn giản là trên khắp Sri Lanka không còn thuốc nữa.
Cả hệ thống y tế Sri Lanka căng thẳng vì tình trạng khan hiếm thuốc và thiết bị vật tư

Cả hệ thống y tế Sri Lanka căng thẳng vì tình trạng khan hiếm thuốc và thiết bị vật tư

Nỗi lo của người bệnh

“Không có thuốc là tôi chóng mặt và không thể đi bộ được. Tôi sợ mình bị liệt vì không có ai chăm sóc. Vợ tôi và tôi cáng đáng mọi việc trong gia đình. Vợ tôi lại bị dị tật đầu gối và bà ấy hầu như không thể đi lại được”, ông Weerasuriya nói.

Tương tự, bệnh nhân Sushantha Weerasuriya, 42 tuổi, trong tháng 5 đã đi một quãng đường rất xa để mua được vài viên thuốc có giá 10.000 rupee để chữa bệnh động kinh của mình. Nhưng ngay sau khi ngừng thuốc, anh bắt đầu lên cơn co giật thường xuyên, dẫn đến mất ý thức và không thể làm việc. “Nếu không dùng thuốc trong 5 ngày, bệnh tình của tôi sẽ tái phát và tiếp tục không ngừng, điều mà tôi thực sự lo sợ. Tôi là trụ cột chính của gia đình và tôi phải nuôi vợ và cô con gái 4 tuổi. Nhưng nếu bị bệnh, tôi không thể làm việc được. Nếu hết thuốc thì sinh kế của gia đình tôi đang gặp nguy hiểm”, người đàn ông này nói.

Cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ khi Sri Lanka giành được độc lập đang nhanh chóng trở thành một cuộc khủng hoảng y tế đáng báo động. Dự trữ kho bạc Nhà nước đã giảm xuống mức thấp nhất và tuần trước, nước này chấp nhận sự thật là lần đầu tiên không thể trả các khoản vay quốc tế. Không có nguồn thu ngoại tệ, Sri Lanka đã không thể nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu: thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men.

Sri Lanka nhập khẩu hơn 80% nguồn cung cấp y tế. Hiện gần 200 mặt hàng y tế của nước này đang bị thiếu hụt, bao gồm 76 loại thuốc thiết yếu từ thuốc làm loãng máu cho bệnh nhân đau tim và đột quỵ đến thuốc kháng sinh, vaccine phòng bệnh dại và thuốc hóa trị ung thư. Các thiết bị phẫu thuật thiết yếu và thuốc gây mê đang cạn kiệt quá nhanh nên tuần này, các bệnh viện được lệnh chỉ thực hiện các ca phẫu thuật khẩn cấp, chủ yếu là bệnh nhân tim và ung thư. Tất cả các ca phẫu thuật thông thường từ thoát vị đĩa đệm đến viêm ruột thừa đều đã bị tạm dừng. Một số bệnh viện chính phủ đã được hướng dẫn chỉ tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu.

Các loại thuốc điều trị ung thư, vốn là thuốc nhập khẩu đắt tiền rơi vào tình trạng khan hiếm trầm trọng trong những tuần gần đây và trách nhiệm tìm nguồn cung cấp thuộc về chính các bác sĩ ung thư. Họ đã kêu gọi quốc tế quyên góp, viết thư cho những người hỗ trợ từ tư nhân đến tổ chức và chính phủ để đảm bảo các phương pháp điều trị ung thư không bị trì hoãn. Hôm 31-5, Ấn Độ đã giao 25 tấn thuốc y tế cung cấp cho Sri Lanka trong khi Pháp tặng một số thiết bị thiết yếu, nhưng hầu hết những người làm việc trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cho biết, Sri Lanka không thể dựa vào các khoản đóng góp được mãi.

Nỗi niềm của các bác sĩ

Buddhismka Somawardana, bác sĩ chuyên khoa tại bệnh viện ung thư lớn nhất Colombo đã mô tả “sự căng thẳng lớn” mà ông và các bác sĩ khác đang phải trải qua khi các loại thuốc điều trị ung thư thiết yếu bắt đầu hết cách đây hơn 1 tháng hoặc bị ngừng cung cấp. Bác sĩ Somawardana cho biết, cuộc khủng hoảng đang đặt một “gánh nặng tài chính và tâm lý” rất lớn lên các bệnh nhân ung thư, những người đang phải chi trả những khoản tiền khổng lồ cho thuốc điều trị mà trước đây chúng hoàn toàn miễn phí và dễ dàng tiếp cận tại các bệnh viện thuộc hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân của Sri Lanka.

Ruvaiz Haniffa, một bác sĩ ở Colombo, cảm thấy thất vọng vì các bác sĩ đã “thấy điều này từ tháng 1-2022” nhưng các nhà chức trách đã không thiết lập các kế hoạch dự phòng để đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh, ngay cả khi dự trữ ngoại hối của đất nước bắt đầu giảm, rồi cạn kiệt đến mức thấp đáng lo ngại. “Chúng tôi đang phải đối mặt với những tình huống khó xử về đạo đức khi làm bác sĩ. Sri Lanka từng có một hệ thống y tế rất hiệu quả. Nhưng hiện tại, sẽ có nhiều người chết hơn, điều này là không thể chấp nhận được”. Với giá thuốc tăng trung bình 40%, nhiều cha mẹ đã phải lựa chọn giữ thuốc chữa bệnh với học phí cho con và nhiên liệu đi làm. Bác sĩ Haniffa lo ngại, những điều này sẽ tác động lâu dài đến tuổi thọ của người dân Sri Lanka. “Trong vòng 5 năm tới, chúng ta sẽ thấy các ca đột quỵ tăng lên, đau tim tăng lên, các vấn đề về thần kinh tăng lên, ung thư tăng lên”.

“Cuối cùng, mọi người chắc chắn sẽ chết”, một bác sĩ ở Colombo bày tỏ. Nữ bác sĩ cho biết, bệnh viện thiếu một số loại thuốc nhất định nên phải hướng dẫn các gia đình bệnh nhân ra hiệu thuốc và tự tìm mua. Khi xảy ra sự cố, người nhà bệnh nhân phải chạy khắp nơi tìm thuốc. Đến lúc họ quay lại bệnh viện thì đã quá muộn, bệnh nhân đã chết.