Hy Lạp ngán “toa thuốc đắng”

ANTĐ - Cả giới chính trị gia và kinh tế nhìn nhận như vậy trước tuyên bố của Chính phủ Hy Lạp sẽ tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về thỏa thuận cứu trợ tài chính mới dành cho nước này.

Cảnh sát ngăn một cuộc biểu tình chống chính sách khắc khổ của chính phủ tại Thủ đô Athen

Là mắt xích yếu nhất trong cuộc khủng hoảng nợ công đang hoành hành tại châu Âu, Hy Lạp đã được Liên minh châu Âu (EU) cùng Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thông qua khoản cứu trợ cả gói trị giá 110 tỷ euro cách đây 1 năm. Theo "đơn thuốc" đã kê, Hy Lạp cần có ngay một "toa thuốc cứu trợ" tiếp theo  trị giá 130 tỷ euro ngay trong tháng 11 này nếu không sẽ có nguy cơ "ngã bệnh" - phá sản.

Dù “toa thuốc” trị giá hàng trăm tỷ euro quan trọng như vậy với Hy Lạp, một thành viên trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), song cũng phải rất khó khăn các thành viên EU mới thống nhất được với nhau. Một số "ông lớn" trong liên minh như Đức đòi Hy Lạp phải mạnh tay cắt giảm chi tiêu hơn là "ngửa tay" chờ cứu trợ.

Thế nhưng, khi EU đạt được thoả thuận về gói cứu trợ tiếp theo cho Hy Lạp thì nước này lại tỏ ra ngần ngừ. Khoản cứu trợ của liên minh tuy quan trọng thật nhưng xem ra nó lại "quá đắng" đối với đất nước của những câu chuyện thần thoại nổi tiếng này.

Cả châu Âu không khỏi sửng sốt trước việc Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou ngày 31-10 tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về thỏa thuận cứu trợ mới vừa đạt được với EU và IMF sau các cuộc đàm phán đầy khó khăn. Đề xuất này của Thủ tướng Papandreou đã nhận được sự ủng hộ của nội các Hy Lạp.

Động thái của Chính phủ Hy Lạp có thể gây sửng sốt song không bất ngờ nếu nhìn vào phản ứng của người dân nước này thời gian qua. Để nhận được cứu trợ, Hy Lạp đã buộc phải thi hành chính sách "thắt lưng buộc bụng" nghặt nghèo như cắt giảm viên chức nhà nước, giảm lương, giảm dịch vụ công, tăng thuế thu nhập, thuế nhà đất...

Những biện pháp khắc khổ của chính phủ nhằm đáp ứng điều kiện của EU và IMF đã bị người dân Hy Lạp phản đối quyết liệt. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra, trong đó có những cuộc tổng bãi công làm tê liệt hoạt động của các cơ quan, trường học, ngân hàng, cửa hàng, hiệu thuốc, cây xăng, hoạt động giao thông vận tải...

Theo kết quả thăm dò dư luận công bố ngày 31-10, gần 60% số người dân Hy Lạp được hỏi ý kiến cho rằng gói cứu trợ mới trị giá 130 tỷ euro của EU là "tiêu cực".

Chính vì thế, giới quan sát cho rằng trong trường hợp đưa ra trưng cầu ý dân gói cứu trợ của EU và IMF thì khả năng bị người dân nước này bác bỏ là khá cao. Theo người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Elias Mossialos, cuộc trưng cầu ý dân sẽ diễn ra trong thời gian sớm nhất.

Lo ngại về tình hình được mô tả "nước sôi lửa bỏng" ở Hy Lạp, Tổng thống Pháp Nicolas Zarkozy và Thủ tướng Đức    Angela Merkel triệu tập cuộc họp khẩn cấp với sự tham gia của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Giám đốc IMF Christine Lagarder vào ngày 2-11 để bàn cách ứng phó với diễn biến mới.