Tiêm kích F-35 Lightning II thuộc biên chế Không quân Ý khi tham gia nhiệm vụ kiểm soát trên không của NATO tại khu vực biển Baltic đã gặp phải một vấn đề rất nghiêm trọng.
Theo thông báo, hệ thống phát hiện và cảnh báo của tiêm kích F-35 đã bị tê liệt sau một cuộc tấn công điện tử do máy bay chiến đấu Su-30SM của Nga thực hiện, sự việc này đã được tờ báo Israel NZIV đăng tải.
Được biết để canh phòng các hành động của Nga, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã triển khai một số máy bay chiến đấu F-35A của Không quân Ý để tăng cường giám sát trên không tại khu vực Biển Baltic từ tháng 4 năm nay.
Khu vực chịu sự giám sát đặc biệt là ở địa bàn xung quanh Estonia, giáp biên giới với Nga. Căn cứ cho các hoạt động này là sân bay quân sự Amendola, nằm ở miền Nam nước Ý, khi máy bay có thể nhanh chóng hiện diện tại điểm nóng.
Khoảng một tháng sau khi làm nhiệm vụ, một chiếc F-35A của Ý được giao nhiệm vụ tuần tra trên không phận Biển Baltic. Khi đang thực hiện chuyến tuần tra định kỳ, nó đã bị tiêm kích Su-30SM Nga chặn lại, trong đó sự việc đáng quan tâm đã diễn ra.
Theo thông báo, chiến đấu cơ F-35 của Ý được cho là đã đến quá gần máy bay vận tải An-12 của Nga và phản ứng đáp trả đã đến gần như ngay lập tức khi Không quân Nga tăng viện tiêm kích Su-30SM.
Phi công người Ý kể về điều bất ngờ mà anh ta gặp phải: “Đột nhiên một máy bay chiến đấu Nga xuất hiện. Tôi rất bối rối vì không ngờ đối phương hiện diện nhanh đến vậy”.
Khi đó tiêm kích Su-30SM đã tiếp cận F-35 ở cự ly nguy hiểm, lúc này hệ thống phát hiện và cảnh báo do Tập đoàn Lockheed Martin lắp trên chiếc Lightning II bất ngờ bị hỏng. Phi công phải khởi động tổ hợp nhiều lần để đảm bảo nó hoạt động trở lại.
Trong sự kiện trên, các chuyên gia cho rằng hiệu lực từ hệ thống tác chiến điện tử L-265 Khibiny của Nga lắp trên tiêm kích Su-30SM đã vô hiệu hóa chiếc F-35, khí tài trên được phát triển từ thời Liên Xô và đã trải qua nhiều lần hiện đại hóa.
L-265 Khibiny nổi tiếng với khả năng ngăn chặn hiệu quả hoạt động của các khí tài điện tử hàng không trên tiêm kích đối phương. Kết quả là F-35 của Ý bị nhiễu điện tử mạnh, làm gián đoạn hoạt động của nhiều thiết bị.
Khi tiêm kích Su-30SM của Nga tiếp cận chiếc F-35 ở cự ly tối thiểu cho phép, phi công Ý đã cố gắng tạo khoảng cách an toàn nhằm thoát khỏi ảnh hưởng của hệ thống tác chiến điện tử đối phương.
Tuy nhiên nỗ lực nói trên của anh ta đã không mang lại kết quả, do hai máy bay chiến đấu ở quá gần nhau, điều này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đó là khiến tiêm kích mất kiểm soát và bị rơi.
Mặc dù vậy cần nhấn mạnh, cho đến thời điểm hiện tại giới chức quân sự Nga và NATO vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào liên quan tới vụ đụng độ kể trên.
Trong quá khứ, nhiều "huyền thoại" khác như việc hệ thống Khibiny lắp trên Su-24 khiến thủy thủ đoàn khu trục hạm Aegis của Mỹ hoảng sợ xin giải ngũ, hay Krasukha-4 làm lạc hướng toàn bộ tên lửa Tomahawk của Mỹ tấn công Syria đã được xác định là không có thật.