"Hệ thống phòng không Pantsir-SM-SV đặt trên khung gầm xe bánh xích đã được sử dụng lần đầu tiên trong điều kiện chiến đấu và 'chứng minh đầy đủ những đặc điểm theo đúng thiết kế'", đại diện Tập đoàn Rostec nói rõ.
Báo chí Nga nhắc lại, ý tưởng tạo ra phiên bản Pantsir-SM-SV bắt đầu manh nha vào khoảng đầu thập niên 2020, khi biến thể Pantsir-SM dùng khung gầm xe tải việt dã bánh lốp không được Quân đội Nga tỏ ý quan tâm.
Nguyên nhân là do những nhược điểm của khung gầm xe tải KamAZ, trọng tâm cao khi lắp module pháo - tên lửa, khiến chiếc xe dễ bị lật khi rẽ, và quan trọng nhất là khả năng cơ động thấp, không có khả năng đi cùng đội hình hành quân để bảo vệ các sư đoàn cơ giới.
Trước thực tế trên, các kỹ sư quân sự Nga đã cho ra đời phiên bản Pantsir-SM-SV bằng cách sử dụng khung gầm xe bọc thép bánh xích GM352M1E, trên đó đặt module chiến đấu cải tiến của Pantsir-SM.
Mặc dù nhà thiết kế và giới chức quân sự Nga khẳng định các đặc điểm của Pantsir-SM-SV vượt quá cả kỳ vọng khi được thử nghiệm trên chiến trường, nhưng lập tức điều này bị nghi ngờ.
Các chuyên gia quân sự quốc tế nhận xét, ngay khi phiên bản Pantsir-S1 ra mắt, Nga đã gọi đây là vũ khí "không có đối thủ" nhưng thành tích thực chiến lại thua xa quảng cáo, vì vậy nghi ngờ đối với biến thể Pantsir-SM-SV là dễ hiểu.
Nếu xét về tính năng theo quảng cáo thì Pantsir-SM-SV thực sự ấn tượng, khi tổ hợp nhận được radar cảnh giới và kiểm soát hỏa lực mới có phạm vi phát hiện mục tiêu cỡ nhỏ tăng lên tới 75 km (đối với radar cũ, con số chỉ ở mức 36 km).
Chưa dừng lại đây, tổ hợp còn nhận được một trạm quan sát quang điện tử cải tiến, mang lại khả năng phát hiện và bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách xa gấp đôi hiện nay, lên đến 40 km.
Ngoài ra hệ thống còn nhận được tên lửa đánh chặn thế hệ mới, cho phép tiêu diệt không chỉ tên lửa đạn đạo mà thậm chí cả tên lửa siêu thanh, bởi vì theo tuyên bố của nhà sản xuất, tốc độ tối đa của mục tiêu có thể xạ kích tăng lên 2 km/s, tức là khoảng Mach 6.
Hiện tại chưa rõ tên lửa nói trên là gì, nhưng báo chí Nga trước đó biết đến việc 2 loại đạn đánh chặn bổ sung được tạo ra cho Pantsir, đó là tên lửa cỡ nhỏ TKB-1055 (19Ya6) có tầm bắn 7 km và một loại ít được biết đến mang mã hiệu 57EBM-E.
Tên lửa 57EBM-E giống đạn xuyên động năng dành cho xe tăng và nhiều khả năng không có đầu đạn, nếu vậy nó sẽ sử dụng phương thức va chạm động năng để phá hủy mục tiêu.
Mặc dù vậy chưa có thông tin nào về việc Nga đã làm chủ công nghệ tiên tiến nói trên, cho nên khả năng trang bị tên lửa diệt mục tiêu theo kiểu "hit to kill" cho Pantsir-SM-SV bị nghi ngờ là không có thực, tức là cự ly tác chiến và xác suất diệt mục tiêu cũng bị phóng đại.
Vấn đề nữa là Quân đội Nga vào thập niên 1990 đã muốn có một phiên bản Pantsir bánh xích để thay thế Tunguska, nhưng mọi nỗ lực của họ đều thất bại, ngoại trừ phiên bản Pantsir-SA dùng xe địa hình DT-30 hai liên kết, trang bị cho đơn vị hoạt động tại Bắc Cực.
Lý do là bởi các kỹ sư người Nga không thể đặt tất cả khí tài và vũ khí trên một khung gầm bánh xích. Do vậy tổ hợp Pantsir-SA không được trang bị pháo, và những nguyên mẫu xuất hiện trong cuộc duyệt binh chỉ đơn giản phục vụ triển lãm.
Trong thời gian tới, các chuyên gia quân sự quốc tế sẽ phải nỗ lực tìm hiểu xem có thực là Pantsir-SM-SV đã được Nga cho "thử lửa" ngoài chiến trường hay không, và nếu điều này là thật thì hiệu quả của nó tới mức nào.