Đợt sóng mới trên thị trường bán dẫn thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thị trường bán dẫn từng có một thời kỳ sôi động bởi sự ra đời của các sản phẩm mới như máy tính cá nhân và sau đó là điện thoại thông minh, Internet vạn vật, điện toán đám mây…, nay ngành bán dẫn thế giới lại đang nổi sóng với động lực tăng trưởng đến từ những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, lái xe tự động… cũng như tiếp theo có thể là công nghệ lượng tử hay viễn thông 6G và 7G.

Động lực từ sự bùng nổ của AI

Hãng tin chuyên về kinh tế Bloomberg dẫn thông tin từ nhà sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới TSMC (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, doanh thu quý III của tập đoàn này dự kiến đạt 759,7 tỷ Đài tệ (tương đương 23,6 tỷ USD), cao hơn so với doanh thu kỳ vọng trước đó là 748 tỷ Đài tệ và tăng trưởng khoảng 39% so với cùng kỳ 2023. Kết quả này cho thấy, nhu cầu mạnh mẽ đối với chip phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và các đơn đặt hàng mới từ các “ông lớn” công nghệ của thế giới như Apple, Qualcomm và MediaTek.

Tập đoàn Nvidia đang chiếm ưu thế về chip bán dẫn xử lý đồ họa GPU

Tập đoàn Nvidia đang chiếm ưu thế về chip bán dẫn xử lý đồ họa GPU

Thông tin về kết quả kinh doanh tích cực của Tập đoàn TSMC gây chú ý lớn của trên thị trường bán dẫn toàn cầu khi gần đây các nhà đầu tư lo ngại việc chi tiền mua chip để phát triển công nghệ AI sẽ sớm chững lại do hiệu quả thực tế đem lại không cao như kỳ vọng. Thậm chí, còn có những cảnh báo rằng, các “ông lớn” công nghệ (big tech) toàn cầu như Meta (công ty mẹ của Facebook, Instagram) hay Alphabet (công ty mẹ của Google) không thể duy trì tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng như hiện nay nếu không đạt những hiệu quả thực tế từ AI đủ sức tạo ra doanh thu tương xứng.

Nhờ vào sự phát triển bùng nổ của AI trên thế giới, doanh thu của hãng TSMC đã tăng gấp đôi so với năm 2020, thời điểm ChatGPT của OpenAI ra mắt và châm ngòi cho cuộc đua đầu tư trang bị phần cứng từ nhà sản suất chip bán dẫn Nvidia để phát triển AI. Thế nên, không chỉ hãng TSMC mà Nvidia của tỷ phú Jensen Huang cũng được giới đầu tư đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng.

Nvidia là tập đoàn được hưởng lợi lớn nhất từ sự bùng nổ AI, khi các tập đoàn công nghệ lớn như Meta, OpenAI, Alphabet, Microsoft và Oracle tiếp tục công bố các công nghệ và sản phẩm đòi hỏi đầu tư lớn vào các bộ xử lý đồ họa (GPU) mà Nvidia đang chiếm ưu thế. Kết quả kinh doanh quý II-2024 cho thấy, Nvidia đạt doanh thu 30 tỷ USD, tăng 15% so với quý trước đó và tăng 122% so với cùng kỳ năm 2023.

Kết quả kinh doanh tích cực tạo động lực kéo giá cổ phiếu của Nvidia đi lên mạnh mẽ. Trong những ngày đầu tháng 10 này, giá cổ phiếu của Nvidia đã quay trở lại mức kỷ lục từng đạt là 135 USD mỗi cổ phiếu sau một thời gian sụt giảm. Như vậy, giá cổ phiếu của hãng này đã tăng tới hơn 30% chỉ trong vòng có 1 tháng.

Đáng chú ý, tập đoàn tài chính Goldman Sachs vừa đặt mức kỳ vọng giá cổ phiếu của Nvidia có thể sớm tăng lên mức 150 USD khi tình hình kinh doanh còn nhiều triển vọng. Kết quả kinh doanh của Nvidia đang được kỳ vọng sẽ tăng cao hơn nữa trong phần còn lại của năm nay khi các big tech toàn cầu dự kiến chuẩn bị công bố kế hoạch đầu tư hạ tầng AI. Thế nên, Nvidia mới đây đã tiết lộ toàn bộ sản lượng chip Blackwell, một dòng GPU tiên tiến của hãng này, trong 12 tháng tới đã được đặt hàng từ các hãng công nghệ trên khắp thế giới.

Cạnh tranh quyết liệt giành thị phần

Các sản phẩm AI tiên tiến như ChatGPT của OpenAI yêu cầu các trung tâm dữ liệu khổng lồ chứa đầy GPU để thực hiện xử lý cần thiết. Điều này đã tạo ra nhu cầu cho các hãng cung cấp chip AI trên thế giới. Do đó, thị trường chip AI sẽ tiếp tục bùng nổ và dự kiến đạt 500 tỉ USD vào năm 2028.

Nhìn về triển vọng dài hạn của ngành chip bán dẫn, ông Toshiki Kawai, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của công ty điện tử và bán dẫn Tokyo Electron, dự đoán, thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ đạt 5.000 tỷ USD vào năm 2050. Theo ông Toshiki Kawai, trước đây thị trường bán dẫn có một chu kỳ tăng trưởng từ sự ra đời của các sản phẩm mới như máy tính cá nhân và sau đó là điện thoại thông minh, Internet vạn vật, điện toán đám mây…. Nay, thị trường chất bán dẫn thế giới hiện đang ở làn sóng thứ hai với động lực tăng trưởng đến từ những công nghệ như AI, lái xe tự động và các làn sóng tiếp theo có thể sẽ là công nghệ lượng tử và viễn thông 6G, 7G…

Những năm qua, Nvidia thống trị phần lớn thị trường GPU cung cấp cho các trung tâm dữ liệu trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà sản xuất chip khác đều không muốn Nvidia một mình hưởng “miếng bánh” chip thơm ngon nên đã đầu tư mạnh mẽ để phát triển, hứa hẹn tạo ra sự canh tranh ngày càng quyết liệt.

Mới đây, nhà phát triển chip hàng đầu thế giới khác là AMD của Mỹ vào ngày 10-10 vừa qua đã ra mắt chip AI là mang tên Instinct MI325X nhằm cạnh tranh trực tiếp các dòng GPU của Nvidia. Tuy chưa công bố cụ thể về các đơn hàng đã được đặt, nhưng AMD tiết lộ rằng cả Meta và Microsoft đều mua Instinct MI325X, đồng thời OpenAI cũng sử dụng Instinct MI325X cho một số ứng dụng.

Không chỉ các trung tâm dữ liệu khổng lồ mà các dòng laptop AI cũng trở thành mục tiêu cạnh tranh mạnh mẽ của các hãng chip. AMD và Intel mới đây đã ra mắt các nền tảng chip mới dành cho các dòng laptop AI. Không chỉ các hãng sản xuất chip bán dẫn mà các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới cũng muốn chiếm lĩnh thị trường rất quan trọng đối với công nghệ mới này. Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) và Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG), Mỹ dự kiến sẽ tăng gấp ba lần công suất sản xuất chất bán dẫn và kiểm soát gần 30% hoạt động sản xuất chip tiên tiến vào năm 2032 một phần nhờ Đạo luật Chips và khoa học. Mỹ có thể tăng thị phần chip tiên tiến, những chip dưới 10 nanomet (nm) dành cho các ứng dụng như điện thoại thông minh mới nhất, lên 28% vào năm 2032, trong khi Trung Quốc dự kiến sẽ chỉ chiếm 2% trong danh mục đó trong cùng thời gian.

Năm 2022, năng lực sản xuất chip dưới 10 nm toàn cầu do vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc thống trị với thị phần lần lượt là 69% và 31%. Việc Mỹ bắt kịp dự kiến sản lượng chip đã đề ra một phần là nhờ Đạo luật Chips và khoa học mà Chính phủ Mỹ đã thông qua vào năm 2022 nhằm tăng cường năng lực sản xuất chip của nước này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 8-2022 đã ký Đạo luật Chips và khoa học, theo đó cung cấp 76 tỷ USD trong thời gian 5 năm để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn. Mỹ chỉ sản xuất 12% chất bán dẫn của thế giới mặc dù thiết kế tới 47% chất bán dẫn được bán trên toàn cầu. Mỹ hiện chỉ chiếm 10% công suất sản xuất chip của thế giới vào năm 2022, phần còn lại chủ yếu thuộc về châu Á.

Tuy nhiên, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ chính phủ, Mỹ dự kiến sẽ tăng mạnh công suất nhà máy trong thập kỷ tới. Mỹ dự kiến sẽ nắm giữ 14% công suất sản xuất chip của thế giới vào năm 2032, trong khi Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc sẽ tiếp tục dẫn đầu về công suất chế tạo tấm bán dẫn toàn cầu với công suất lần lượt là 21% và 17% vào năm 2032.

Tổ chức thống kê kinh doanh bán dẫn thế giới (WSTS) vào tháng 6 năm nay dự báo, thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng 16% năm 2024 và 12,5% năm 2025. Trong năm 2024, châu Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục dẫn đầu khi dự kiến ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 25,1% và 17,5%. Các khu vực còn lại đang tỏ ra chậm chân trên thị trường chip bán dẫn khi châu Âu ước tính sẽ tăng trưởng 0,5%, trong khi Nhật Bản dự kiến giảm nhẹ 1,1% trong năm nay. Sang năm 2025, tất cả các khu vực trên thế giới đều tiếp tục tăng trưởng, song Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương vẫn tiếp tục duy trì thế thượng phong khi tiếp tục duy trì mức tăng trưởng hai con số.