- Ông Trump tuyên bố ưu tiên chống khủng bố và Triều Tiên
- Lãnh đạo EU coi Tổng thống Trump là mối đe dọa
- Tổng thống Putin: NATO muốn kéo Nga vào xung đột
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) đón tiếp Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence lần đầu tới thăm trụ sở NATO sau khi nhậm chức
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong chuyến thăm Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đầu tiên sau khi nhậm chức đã đưa ra những tuyên bố nồng ấm về mối quan hệ đồng minh thân thiết xuyên Đại Tây Dương của Washington. Dù là điểm dừng chân đầu tiên tại Munich (Đức) khi Hội nghị An ninh Quốc tế ngày 18-2 hay trụ sở Hội đồng châu Âu và NATO tại Brussels (Bỉ) ngày 20-2, ông Mike Pence đều ca ngợi quan hệ đồng minh thân thiết và chặt chẽ giữa hai bên.
Trong đó, tại Munich, ông Pence cho biết Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu ông truyền đạt một thông điệp khẳng định Mỹ ủng hộ mạnh mẽ NATO và Mỹ không dao động trong cam kết của mình đối với liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương này. Phó Tổng thống Mỹ tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của Washington đối với NATO và đánh giá tổ chức này là nhân tố đảm bảo cho một thế giới an toàn hơn.
Có thể thấy những tuyên bố mạnh mẽ của ông Mike Pence - quan chức cao cấp nhất của chính quyền tân Tổng thống Donald Trump trong chuyến công du đầu tiên tới châu Âu khác xa những gì mà vị Tổng thống xuất thân là tỷ phú từng lên tiếng khi vận động tranh cử. Ông Donald Trump khi tranh cử đã không ít lần hùng hồn tuyên bố NATO là một “tổ chức lỗi thời” và chỉ biết dựa vào tiền bạc và ảnh hưởng của Mỹ, đồng thời đòi châu Âu phải góp nhiều hơn cho việc đảm bảo an ninh cho chính họ.
Chính sách với châu Âu cũng như NATO mà ông Donald Trump cam kết khi vận động tranh cử đã khiến các đồng minh của Mỹ ở châu Âu “đứng ngồi không yên”. Những tuyên bố “xét lại” liên minh quân sự NATO trong khi không ngần ngại bày tỏ muốn cải thiện quan hệ với Nga của ông Donald Trump đã buộc các quốc gia châu Âu, nhất là EU, phải tính tới thời kỳ mới của đồng minh xuyên Đại Tây Dương.
Thế nhưng, cam kết tranh cử là một chuyện còn thực hiện cam kết đó khi đã vào Nhà trắng lại là chuyện khác hẳn với tân Tổng thống Donald Trump. Có lẽ sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump mới thấy hết tầm quan trọng của quan hệ đồng minh với châu Âu cũng như Tổ chức NATO.
Các quốc gia châu Âu suốt từ sau chiến tranh thế giới thứ hai tới nay đã phải phụ thuộc rất nhiều vào “chiếc ô an ninh” của Mỹ, song mặt khác, các thành viên NATO ở châu Âu và các đồng minh ở châu Âu cũng giữ vai trò quan trọng trong các chiến lược cũng như lợi ích của Washington trên toàn cầu. Mỹ chắc chắn mất đi danh nghĩa quốc tế cùng sự hỗ trợ hiệu quả của châu Âu trong nhiều vấn đề toàn cầu, đặc biệt là trong các cuộc chiến chống khủng bố. Trong khi đó, dù muốn cải thiện quan hệ với Nga, nhưng cường quốc này vẫn là đối thủ của Mỹ chứ không phải đồng minh như các thành viên NATO ở châu Âu hay EU trong chiến lược toàn cầu.
Việc các thành viên NATO ở châu Âu cam kết đóng góp tài chính nhiều hơn cho liên minh càng khiến chính quyền tân Tổng thống Donald Trump nhận thấy rằng đây không phải là “tổ chức lỗi thời” mà vẫn là liên minh thân thiết với Washington trong nhiều lợi ích toàn cầu sống còn.