- IS nhận trách nhiệm bắn rơi máy bay của Nga, đáp trả việc không kích ở Syria
- Nga công bố quốc tang, bác "tin vịt" máy bay bị IS bắn rơi
- Do sự cố máy bay rơi, Ai cập hoãn ký kết du lịch với Nga
3 hãng hàng không này gồm Lufthansa của Đức, Air France-KLM của Pháp và Emirates của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất. Trong thông báo của mình, người phát ngôn của 3 hãng hàng không này cho biết quyết định trên được đưa ra vì lý do an toàn bay. Đến nay, chỉ có một sự thật đã rõ là toàn bộ 224 người, trong đó có 217 hành khách, trên chiếc Airbus A-321 đang trong hành trình từ thành phố Sharm el-Sheikh, Ai Cập, đến St Petersburg, Nga, đã thiệt mạng.
Sự lo ngại của 3 hãng hàng không trên không phải không có nguyên do. Trong khi Nga cùng các bên liên quan như Ai Cập và Cơ quan Điều tra tai nạn hàng không dân dụng của Pháp (BEA) đang gấp rút điều tra, thì một nhóm phiến quân có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Ai Cập đã lên tiếng thừa nhận việc bắn hạ chiếc máy bay dân dụng của Nga bằng tên lửa Manpad để trả đũa việc Nga không kích các phiến quân IS ở Syria.
Tất nhiên, tuyên bố của nhóm phiến quân trên ít có cơ sở. Đúng là loại tên lửa đất đối không vác vai (Manpad) có trong kho vũ khí của các phiến quân trên bán đảo Sinai. Tuy nhiên, trong khi tên lửa Manpad chỉ có thể vươn tới 4.500m thì chiếc máy bay chở khách của Nga bay ở độ cao 9.450m, nằm ngoài tầm bắn của Manpad. Phía Nga cũng đã bác bỏ thông tin IS bắn hạ chiếc máy bay dân dụng của Nga và cho rằng tuyên bố đó hoàn toàn xuất phát từ những động cơ chính trị.
Chính vì thế, đa số các nguồn tin cho rằng nguyên nhân dẫn đến thảm họa của chuyến bay 7K9268 là do lỗi kỹ thuật. Hãng tin Nga RIA Novosti cho biết trong tuần trước, tổ lái của máy bay Airbus - 321 gặp nạn này đã nhiều lần thông báo với bộ phận kỹ thuật tại sân bay Sharm el-Sheikh về các trục trặc ở động cơ của máy bay. Trước thời điểm máy bay biến mất khỏi màn hình radar, cơ trưởng máy bay cũng đã thông báo với trạm kiểm soát không lưu về các lỗi kỹ thuật sau khi cất cánh, đề nghị thay đổi đường bay và hạ cánh khẩn cấp xuống Thủ đô Cairo của Ai Cập.
Trong khi đó, Cơ quan hàng không Liên bang Nga (Rosaviasia) nêu rõ “hiện tại không có cơ sở để cho rằng nguyên nhân rơi máy bay là do lỗi kỹ thuật, lỗi của phi hành đoàn hay bất kỳ tác động nào”. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nga M. Sokolov, người đứng đầu Ủy ban điều tra Nga về vụ rơi máy bay Airbus-321, nhấn mạnh “chỉ có thể xác định nguyên nhân rơi máy bay sau khi thu thập và phân tích tất cả các thông tin”.
Liên quan đến chiếc phi cơ xấu số, hãng máy bay Airbus xác nhận chiếc A321-200 gặp nạn có tuổi đời 18 năm và được Metrojet đưa vào vận hành từ năm 2012. Nó sử dụng các động cơ IAE-V2500 và đã bay khoảng 56.000 giờ với gần 21.000 chuyến bay. Như vậy đây không phải là chiếc máy bay quá cũ. Thêm vào đó, theo thống kê, các vụ tai nạn ở độ cao hành trình là một trong những loại tai nạn hiếm khi xảy ra nhất, chiếm khoảng 13% số vụ tai nạn chết người của ngành hàng không.
Hiện tại, Ủy ban Điều tra Liên bang Nga đã tuyên bố khởi tố 2 vụ án hình sự theo Điều 263 “Vi phạm quy tắc an toàn đi lại và sử dụng phương tiện đường sắt, đường không, đường biển, đường thủy nội địa và tàu điện ngầm” và Điều 238 “cung cấp các dịch vụ không đáp ứng yêu cầu an toàn” trong Bộ luật Hình sự Liên bang Nga. Văn phòng hãng hàng không Kogalymavia và nhà điều hành tour Brisco có khách du lịch trên máy bay, cũng như sân bay Domodedovo (nơi chiếc máy bay gặp nạn đăng ký hoạt động) đã bị lục soát. Vẫn chưa có lời giải đáp cuối cùng về thảm họa với chuyến bay 7K9268.