Nhật Bản khởi động lại lò phản ứng hạt nhân, 13 năm sau thảm họa động đất sóng thần

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Công ty Điện lực Tohoku, đơn vị vận hành Nhà máy điện hạt nhân Onagawa ở tỉnh Miyagi, Đông Bắc Nhật Bản, đã khởi động lại một trong những lò phản ứng của công ty, 13 năm sau khi lò bị thiệt hại trong thảm họa động đất sóng thần năm 2011.
Nhà máy điện hạt nhân Onagawa ở tỉnh Miyagi, Đông Bắc Nhật Bản

Nhà máy điện hạt nhân Onagawa ở tỉnh Miyagi, Đông Bắc Nhật Bản

Thảm họa động đất sóng thần năm 2011 đã khiến lò phản ứng số 2 tại nhà máy này bị cắt khỏi nhiều nguồn điện bên ngoài và làm cơ sở ngầm dưới đất bị ngập lụt. Công ty Điện lực Tohoku đã thực hiện các bước phòng chống thiên tai, bao gồm nâng tường chắn của nhà máy lên độ cao 29m so với mực nước biển.

Lò phản ứng này đã được Cơ quan quản lý hạt nhân Nhật Bản xét duyệt và thông qua vào năm 2020. Sau đó, công việc xây dựng các biện pháp an toàn và việc giám sát của chính phủ đã được hoàn thành.

Vào tối 29-10, Công ty Điện lực Tohoku đã kích hoạt lại lò phản ứng bằng cách tháo các thanh điều khiển. Công ty cho biết lò phản ứng đã đạt được phản ứng dây chuyền và dự kiến việc sản xuất điện sẽ bắt đầu vào đầu tháng 11.

Đây là lò phản ứng cùng loại được sử dụng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị hư hại, và là lò phản ứng đầu tiên ở miền Đông Nhật Bản được tái hoạt động.

Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch sử dụng sản xuất điện hạt nhân càng nhiều càng tốt để hiện thực hóa một xã hội không carbon và đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định.

Các công ty điện lực đặt mục tiêu nối lại hoạt động của các nhà máy hạt nhân khác trên khắp đất nước, bao gồm Nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa ở tỉnh Niigata và Nhà máy Tokai Số 2 ở tỉnh Ibaraki, sau khi được người dân địa phương đồng ý.