Đạn pháo dẫn đường BONUS không cho xe tăng T-90M cơ hội thoát thân

ANTD.VN - Đạn pháo dẫn đường BONUS đã chứng minh là vũ khí diệt tăng rất lợi hại khi có màn thể hiện xuất sắc trên chiến trường Ukraine.

Lực lượng vũ trang Ukraine đã công bố đoạn video ghi lại chi tiết thời điểm một chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M Proryv của Nga bị trúng đạn pháo dẫn đường BONUS 155 mm.

Theo ghi chú từ đoạn video, pháo binh Ukraine đã bắn trúng một phương tiện chiến đấu của Nga cách đường giới tuyến 8 km bằng đạn pháo dẫn đường BONUS.

Sau khi bị phát hiện bởi máy bay không người lái trinh sát Shark, chiếc xe tăng Nga ngay lập tức hứng chịu đòn tấn công vào nóc tháp pháo bởi hai quả đạn con xuyên giáp tự dẫn đường và ngay lập tức bị phá hủy, bởi đây là vị trí có lớp bảo vệ rất mỏng manh.

Nơi xe tăng T-90M Proryv bị tiêu diệt được thông báo là ở vùng Zaporizhzhia, cụ thể hơn nữa là gần làng Robotyne, cách tiền tuyến 8 km, tức là nó không ở trong tình huống chiến đấu trực tiếp kiểu mặt đối mặt.

Với cự ly này, khả năng rất cao là cỗ chiến xa chủ lực đang được sử dụng trong vai trò pháo tự hành, nó bắn phá các vị trí của Ukraine từ cách xa đường phân giới bằng đạn nổ phá mảnh cỡ 125 mm.

Đối với vũ khí được Quân đội Ukraine dùng trong trận đánh, BONUS là loại đạn chùm có độ chính xác cao do hai công ty Nexter của Pháp và Bofors của Thụy Điển hợp tác phát triển, nó được xem như một "sát thủ xe tăng" hiện đại.

Trong mỗi quả đạn pháo BONUS cỡ 155 mm chứa hai đạn chùm tự dẫn đường bên trong, chúng xác định mục tiêu thông qua việc sử dụng cảm biến hồng ngoại thụ động băng tần kép và máy đo xa laser.

Cả hai viên đạn con đều được tích hợp đầu đạn dạng lõi xung kích, khi phát nổ sẽ tạo luồng xuyên lõm, đục thủng lớp giáp dày tới 130 mm, đủ để vô hiệu hóa mọi xe tăng tối tân nhất hiện nay khi vị trí nóc tháp pháo chỉ có lớp thép dày khoảng 50 - 60 mm.

Trước khi bắn đạn dẫn đường BONUS, pháo thủ phải lập trình thời gian đạn con tách ra khỏi đạn mẹ. Cụ thể là họ cần phải tính toán chính xác cự ly đến mục tiêu và phối hợp chặt chẽ với đơn vị trinh sát trên không.

Ngòi nổ của đạn được lập trình về thời gian theo tính toán trước. Sau khi bắn vào thời điểm quy định, cơ cấu này sẽ được kích hoạt và giải phóng đạn con ở độ cao trong khoảng 800 - 2.200 m so với mục tiêu, đẩy các viên đạn con với đầu tự dẫn khỏi đạn mẹ để tìm mục tiêu.

Nguyên lý hoạt động của đạn BONUS trong giai đoạn đầu khi rời khỏi nòng tương tự như bất kỳ viên đạn pháo thông thường nào khác, nó cũng bay theo đường cong đạn đạo tới mục tiêu.

Nhưng sau đó một cơ chế đặc biệt sẽ phân chia các viên đạn con ở độ cao 800 - 2000 mét trên một đoạn quỹ đạo nhất định, các phần tử chiến đấu riêng biệt mở bộ ổn định, giảm tốc độ quay và thực hiện thao tác tìm kiếm mục tiêu.

Cuối cùng, sau khi phát hiện đối tượng cần tiêu diệt, đạn con sẽ tự động tính toán tiếp xúc và phát nổ, tạo thành luồng xuyên giáp, thao tác trên được thực hiện hoàn toàn tự động trong thời gian cực ngắn, thể hiện trình độ công nghệ rất cao được ứng dụng bên trong vũ khí.

Đạn BONUS tương thích với hầu hết các loại lựu pháo 155 mm chuẩn NATO hiện nay, tầm bắn tối đa đạt tới 35 km khi được bắn từ pháo có nòng dài gấp 52 lần đường kính (L/52).