Dân chủ hóa quốc tế

ANTĐ - Đó là thông điệp toát lên từ phát biểu của các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ tại phiên thảo luận chung cấp cao đầu tiên của Đại hội đồng LHQ khóa 66 diễn ra ngày 21-9 tại trụ sở LHQ ở New York.

Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi định hình một thế giới mới

Khóa họp 66 của Đại hội đồng LHQ diễn ra trong bối cảnh cả thế giới đang phải đối mặt với những thách thức chung rất nghiêm trọng. Bên cạnh những thách thức lâu nay như biến đổi khí hậu, đói nghèo, khủng bố... gần 200 quốc gia với gần 7 tỷ người đang phải khốn đốn với cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hay ảnh hưởng xấu từ cuộc khủng hoảng nợ công lan tràn tại châu Âu và Mỹ.

Một quốc gia trên thế giới, dù hùng mạnh đến đâu cũng không thể một mình chống chọi chứ đừng nói là vượt qua thách thức mang tính toàn cầu. Từ quan điểm đơn phương sau vụ khủng bố đẫm máu 11-9-2001, siêu cường quốc được cho là mạnh nhất thế giới là Mỹ cũng phải thừa nhận không thể thành công nếu thiếu sự đoàn kết và hợp tác của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố.

Tương tự như vậy, không có một quốc gia nào có thể đơn phương giải quyết những thách thức chung toàn cầu, từ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu tới đói nghèo, khủng hoảng nợ công hay các vấn đề hoà bình và an ninh. Ngay một quốc gia có tiềm lực hùng hậu như Nhật Bản cũng phải cần tới sự hợp tác và giúp đỡ quốc tế trong đối phó và giải quyết hậu quả của thảm hoạ "kép" động đất, sóng thần tháng 3 năm nay.

Thách thức toàn cầu đã gắn kết các quốc gia và dân tộc với nhau. Các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, đều có trách nhiệm cũng như nghĩa vụ chung tay đối phó, giải quyết thách thức toàn cầu.

Để huy động được sự vào cuộc của các quốc gia, phát huy sức mạnh tổng hợp rất cần dân chủ hoá đời sống quốc tế, tạo điều kiện để những nước nhỏ cất lên tiếng nói của mình cũng như góp phần vào nỗ lực chung của thế giới đối phó với các thách thức. Muốn dân chủ hoá đời sống quốc tế cần phải cải tổ LHQ để tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới này có khả năng gánh vác các sứ mạng trong thời kỳ mới là củng cố hòa bình, thúc đẩy hợp tác phát triển và xây dựng các quan hệ quốc tế công bằng và lành mạnh.

Cải tổ để LHQ thực sự là một tổ chức dân chủ, hiệu quả, đảm bảo lợi ích cho mọi quốc gia thành viên. Cần phải gia tăng vai trò và vị trí của Đại hội đồng LHQ, nơi có đại diện của tất cả 192 quốc gia thành viên. Chỉ có đáp ứng lợi ích chung các nước thành viên, nhất là các nước đang phát triển chiếm đa số tại LHQ, tổ chức này mới tăng cường vai trò của mình, góp phần đưa thế giới vượt qua những thách thức chung hiện nay.

Cần định hình một thế giới phản ánh được nguyện vọng và lợi ích của tất cả các quốc gia, không phân biệt đó là nước lớn hay nước nhỏ.