'Đại bàng II' F-15EX - yếu tố giúp Mỹ duy trì sự thống trị trên không

ANTD.VN - Chiến đấu cơ F-15EX sở hữu hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, thiết kế khí động học tốt giúp máy bay linh hoạt, đặc biệt là tải trọng vũ khí rất lớn, là một trong những yếu tố quan trọng giúp Mỹ duy trì sự thống trị trên không. 
Khi tìm kiếm một trong những "kỳ quan quân sự" của Mỹ, người ta thường sẽ nhắc tới F-15EX Eagle II, đây là dòng chiến đấu cơ chủ lực của không quân Mỹ bên cạnh F-22 và F-35.
Chiến đấu cơ F-15EX Eagle II là biến thể mới nhất trong gia đình chiến đấu cơ huyền thoại F-15 Eagle, dòng máy bay này ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu trong tác chiến hiện đại.
Phiên bản F-15EX Eagle II ra đời đánh dấu bước ngoặt đối với dòng chiến đấu cơ huyền thoại F-15 biệt danh "Đại bàng bất bại" của Mỹ.
Kể từ khi có chuyến bay đầu tiên vào năm 1972, dòng chiến đấu cơ hạng nặng F-15 của Mỹ được đánh giá là một trong những vũ khí chủ lực của không quân nước này.
Trải qua các cuộc xung đột có sự can dự của Mỹ, F-15 đã tham gia hàng trăm trận không chiến, hạ nhiều máy bay đối phương và chưa từng bị đối thủ bắn hạ.
Dù là dòng chiến đấu cơ cực mạnh, nhưng theo thời gian, F-15 dần trở nên "đuối" trong tác chiến hiện đại. Chính điều này buộc nhà phát triển phải cho ra mắt biến thể mới đó chính là F-15EX.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, dòng F-15EX có các thành phần cấu tạo giống 70% so với mẫu F-15C và F-15E trước đó. Đây là điều cực kỳ quan trọng giúp không quân Mỹ tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
Ngoài ra thiết kế này của F-15EX giúp tiếp cận chuỗi cung ứng dễ dàng cũng như đồng bộ nhanh mạng lưới hậu cần trước đó của F-15C và F-15E.
Sử dụng các bộ phận chung cũng giúp công tác bảo dưỡng và đào tạo đơn giản hơn. Các phi công quen thuộc với các mẫu F-15 cũ sẽ dễ dàng chuyển loại lên F-15EX.
Vì nhiều bộ phận cấu thành tiêm kích này đã được sản xuất và đã được chứng minh tính hiệu quả, nên F-15EX có thể sản xuất nhanh hơn nhiều so với thiết kế hoàn toàn mới.
Hơn nữa, việc sử dụng các thành phần có sự tương đồng giúp cải thiện độ tin cậy và hiệu suất của phi đội bay. Khi phát hiện ra sự cố ở một biến thể, sự cố có thể được khắc phục nhanh chóng trên tất cả các mẫu máy bay, từ đó nâng cao độ tin cậy và hiệu suất tổng thể.
Điểm yếu của dòng F-15EX này là phải đối mặt với những thách thức về tài chính hơn là về mặt kỹ thuật hoặc vận hành. Chi phí của máy bay đã tăng đều đặn.
Trong khi Boeing khẳng định rằng máy bay chiến đấu này sẽ dễ chế tạo hơn và triển khai nhanh hơn, có khả năng cạnh tranh với số lượng F-35 Lightning II của Lockheed Martin đang hoạt động, thì F-15EX có thể không phải là món hời mà không quân mong đợi.
Chi phí của F-15EX liên tục tăng, thậm chí vượt qua chi phí của F-35. Ban đầu ước tính dưới 80 triệu đô la cho mỗi máy bay, giá đã tăng lên 90 triệu đô la và sau đó là 97 triệu đô la vào mùa thu năm 2023.
Giới phân tích nhận định, sự gia tăng chi phí này là do lạm phát, tình trạng bất ổn của lực lượng lao động và điều kiện kinh tế thế giới suy thoái chung.
Tuy nhiên giới phân tích cho rằng, F-15EX thực sự là một dòng chiến đấu cơ nổi bật ngày nay. Ban đầu F-15 được thiết kế như một máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không, nhưng từ phiên bản E và EX, chúng đã trở thành dòng chiến đấu cơ đa năng.
Trung tướng Michael A. Loh thuộc không quân Mỹ đã gọi phiên bản F-15EX, là "kẻ thay đổi cuộc chơi" khi so với F-15E cũ hơn mà nó sẽ thay thế.
“Chúng tôi có thể nhanh chóng tích hợp các vũ khí khác nhau vào hệ điều hành của máy bay. Đây là một bước ngoặt đối với chiến tranh hiện đại”, Trung tướng Michael A. Loh cho biết.
Hãng Boeing tuyên bố F-15 EX có thể "bắn từ khoảng cách xa hơn nhiều so với bất kỳ máy bay chiến đấu nào khác trong không quân Mỹ". Mặc dù không tàng hình như F-35, nhưng nhờ ứng dụng các công nghệ mới nên tiết diện rada của F-15EX nhỏ hơn rất nhiều so với máy bay tiền nhiệm.
Không giống như F-35, F-15EX không hy sinh tải trọng để có khả năng tàng hình. Khả năng mang vác vũ khí của dòng chiến đấu cơ này cực kỳ đáng nể khi lên tới gần 14 tấn.
Mặc dù F-15EX không có khả năng tàng hình để xâm nhập trực tiếp vào không phận đối phương, nhưng nó lại có thể phóng vũ khí tầm xa.
F-22 Raptor được phát triển để thay thế F-15, nhưng chi phí cao đã dẫn đến việc hủy bỏ sớm sau khi sản xuất chưa đến 200 chiếc. Điều này dẫn tới việc Mỹ tiếp tục phát triển và sản xuất mới dòng F-15EX.
Việc chuyển từ dòng chiến đấu cơ cũ sang F-15EX dễ hơn nhiều so với F-35 mới. Điều này là do F-15EX chia sẻ hơn 70% các bộ phận của nó với các mẫu F-15C và F-15E.
F-15EX có thể sử dụng cùng thiết bị mặt đất, nhà chứa máy bay, buồng lái mô phỏng và các thiết bị hỗ trợ khác của các dòng F-15 cũ hơn.
Do hạn chế về ngân sách, cũng như Mỹ vẫn muốn có một máy bay có tải trọng vũ khí lớn, tốc độ bay cao và đặc biệt khả năng vận hành hiệu quả, vì vậy họ vẫn duy trì phi đội chiến đấu cơ thế hệ 4.5 như F-15EX.
Hơn nữa, theo nhiều nguồn tin, F-15EX dự kiến ​​sẽ có tuổi thọ khung thân dài hơn nhiều với khoảng 20.000 giờ so với 8.000 giờ của F-35.
Mặt khác với việc tham gia nhiều chiến trường khác nhau, nên Mỹ sẽ cần một loại chiến đấu cơ như F-15EX để dành cho những cuộc xung đột phi đối xứng.
Các quốc gia đồng minh thân cận của Mỹ như Israel, Hàn Quốc, Đức và Nhật Bản đều đã tỏ ra quan tâm đến biến thể F-15EX.