Chiến hạm mạnh nhất của Israel bị UAV tự sát tập kích

ANTD.VN - Một chiến hạm lớp Saar 6 tối tân của hải quân Israel đậu tại căn cứ hải quân ở Eilat suýt trúng UAV tầm xa phóng bởi các chiến binh phong trào Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq (IRI) từ Iraq trong vụ tập kích ban đêm.
"Để thể hiện sự ủng hộ với người dân Gaza, cũng như đáp trả hành động thảm sát của Israel nhắm vào dân thường Palestine, các chiến binh phong trào Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq đã sử dụng vũ khí thích hợp tấn công một mục tiêu quan trọng của đối phương", IRI ngày 1/4 ra tuyên bố cho hay.
Quân đội Israel (IDF) xác nhận một UAV tự sát đã tiến vào không phận nước này từ phía đông, đánh trúng một công trình tại căn cứ hải quân Eilat.

"Iran chỉ đạo vụ tập kích. Đây là sự cố rất nghiêm trọng. IDF đang rút kinh nghiệm từ vụ tập kích để cải thiện lưới phòng không ở Eilat", Chuẩn đô đốc Daniel Hagari, phát ngôn viên IDF nói, trong khi Iran chưa bình luận về tuyên bố này.

Truyền thông Israel cho biết UAV tự sát đã bay từ Iraq qua Jordan và suýt đánh trúng một hộ vệ hạm cỡ nhỏ lớp Saar 6, được đánh giá là chiến hạm hiện đại nhất của Israel, đang neo đậu tại căn cứ Eilat.
"Video quay vụ tập kích cho thấy chiến hạm lớp Saar 6 là mục tiêu của đòn tấn công", biên tập viên Tyler Rogoway của TWZ nhận định.
"Tấn công chiến hạm tối tân của Israel chắc chắn là chiến thắng lớn cho IRI, tổ chức bảo trợ cho các nhóm dân quân thân Iran và được cho là bên phóng UAV", ông Tyler Rogoway nói.

"Vụ tập kích nhằm vào quân cảng Eilat rất đáng chú ý vì nó cho thấy mức độ tinh vi đến mức đáng lo ngại của các nhóm dân quân tại Iraq", ông Rogoway cho biết. (Hướng bay mà UAV có thể sử dụng để tiếp cận thành phố Eilat trong vụ tập kích ngày 1/4).

"Chiến hạm dễ tổn thương nhất khi ở cảng. Lực lượng hải quân Israel cần mọi con tàu họ có, đặc biệt là những chiếc hiện đại nhất", ông Rogoway kết luận.

Hộ vệ hạm lớp Saar 6 do Đức chế tạo cho Israel, và Tel Aviv đang vận hành 4 tàu thuộc lớp Saar 6, chiếc đầu tiên biên chế tháng 11/2020 và chiếc cuối cùng biên chế tháng 12/2023.
Mặc dù chỉ có chiều dài chỉ 90 m, chiều rộng 13,5 m, lượng giãn nước 2.000 tấn nhưng số lượng vũ khí của nó mang theo ở mức khổng lồ so với những con tàu cùng kích cỡ. chế tháng 11/2020 và chiếc cuối cùng biên chế tháng 12/2023.
Những khinh hạm này sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ giàn khai thác khí đốt tự nhiên ngoài khơi biển Địa Trung Hải của Israel, khỏi các cuộc tấn công của tên lửa, vì vậy khả năng chống tên lửa là trọng tâm thiết kế của lớp tàu này.
Khinh hạm Saar 6 tích hợp radar mảng pha chủ động bốn mặt EL/M-2248 MF-STAR của IAI, có thể quét 360° theo mọi hướng; đồng thời có thể phát hiện, nhận dạng và định vị hàng trăm mục tiêu đang bay tới, thuộc nhiều loại khác nhau.
Phạm vi phát hiện mục tiêu của radar có diện tích phản xạ lớn là hơn 100 km và phạm vi phát hiện của tên lửa chống hạm là 25 km.
Ngoài có thể phát hiện các mục tiêu đường không, radar còn có khả năng tìm kiếm mục tiêu mặt biển có độ chính xác cao, hoạt động trên băng tần X.
Về vũ khí, tàu được trang bị hai loại tên lửa hải đối không; loại đầu tiên là tên lửa Barak 8, được lắp trong hệ thống phóng thẳng đứng ở mũi tàu và có thể đánh chặn các mục tiêu trên không trong phạm vi 100 km, cũng như tên lửa chống hạm siêu thanh.
Loại tên lửa thứ hai là phiên bản hải quân hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm sắt, được lắp đặt trong hệ thống phóng thẳng đứng, ở hai bên khoang giữa.
Chúng có thể đánh chặn và tiêu diệt các mục tiêu bay tầm thấp, bao gồm máy bay, tên lửa chống hạm, rocket, đạn súng cối.
Khinh hạm Saar 6 không chỉ có khả năng tác chiến phòng không, mà khả năng tác chiến chống hạm cũng không hề thấp; Saar 6 được trang bị 4 bệ phóng tên lửa chống hạm, mỗi bệ có 4 ống phóng tên lửa chống hạm Gabriel.
Tên lửa Gabriel được trang bị đầu dò radar chủ động tiên tiến và có đường liên kết dữ liệu hai chiều; tên lửa có thể sử dụng trong môi trường ven biển, có nhiều tàu bè "lộn xộn".
Với tầm bắn lên tới 400 km, tên lửa Gabriel tạo lợi thế rõ ràng so với các tên lửa tương tự của các nước láng giềng Israel.
Ngoài ra, tàu còn có một pháo hải quân 76mm, 2 pháo Typhoon 25mm bắn nhanh điều khiển từ xa; 2 ống phóng ngư lôi 324mm có khả năng phóng ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ Mk 54.
Sàn đáp và nhà chứa máy bay phía sau tàu cho phép tiếp nhận và mang theo 1 chiếc trực thăng MH-60 trong các chuyến hải trình dài. Năng lực chống ngầm của tàu trông chờ vào 6 ngư lôi hạng nhẹ cỡ 324 mm.
Có thể nhận thấy lượng vũ khí mà chiếc Saar 6 mang theo là vô địch trong phân khúc chiến hạm cỡ 2.000 tấn, điều này có được là do các loại đạn tên lửa do Israel nghiên cứu chế tạo được tối ưu hóa kích thước, giúp tích hợp lên các nền tảng không quá đồ sộ.
Về hệ thống tác chiến điện tử, tàu có hệ thống đối phó điện tử và bộ mồi nhử chủ động C-Gem, có thể bay lơ lửng trên không sau khi phóng và phát tín hiệu mục tiêu giả, để gây nhiễu tên lửa chống hạm đối phương.
Khinh hạm Saar 6 cũng sẽ được kết nối với mạng lưới phòng không nội địa trên đất liền của Israel và trở thành điểm nút phòng không trên biển của nước này.
Đặc biệt trong những năm gần đây, tình hình Trung Đông liên tục thay đổi, điều này cũng đặt ra yêu cầu cao hơn về khả năng tác chiến trên biển của khinh hạm Saar 6.
Khinh hạm lớp Saar 6 sử dụng hệ thống đẩy hỗn hợp, gồm hai động cơ diesel MTU 20V 1163 TB 93 với công suất 9.920 mã lực, cho tàu tốc độ cao nhất đạt 35 hải lý/giờ, tầm hoạt động liên tục hơn 4.000 km, có thể hoạt động ở vùng biển xa hơn.
Tuy nhiên, do thiết kế tàu vũ trang tận răng, chiếm một lượng lớn không gian, dẫn đến không đủ khả năng tác chiến liên tục và chỉ có thể hoạt động trên biển liên tục trong 10 ngày, ít hơn so với đối thủ.