Chiếc 'phao cứu sinh' Nga nhận từ đồng minh thân cận khiến phương Tây bối rối

ANTD.VN - Đồng minh thân cận Trung Quốc đã trao cho Nga chiếc "phao cứu sinh" quan trọng, từ đó làm mất tác dụng từ những lệnh trừng phạt của phương Tây.

Các chuyên gia quốc tế nhận xét, nếu không có sự giúp sức từ đồng minh thân cận Trung Quốc với chiếc "phao cứu sinh" đặc biệt, nền kinh tế Nga đã gặp vô vàn khó khăn do lệnh cấm vận mà phương Tây ban hành.

Từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng nổ, Mỹ và đồng minh đã áp đặt vô số biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, mục tiêu nhằm giảm sức mạnh và cuối cùng dẫn đến việc Moskva bị quốc tế cô lập.

Tuy nhiên toan tính này đã không được thực hiện đầy đủ khi Trung Quốc đã giúp Nga đắc lực trong việc ngăn chặn ý tưởng của phương Tây, nhận định này do trang Real Clear Defense (RCD) đưa ra.

“Chiếc 'phao cứu sinh' mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tặng cho Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm các biện pháp trừng phạt của phương Tây mất tác dụng một phần”, ấn phẩm Mỹ cho biết.

Ngay sau khi châu Âu và Mỹ từ chối mua các nguồn năng lượng của Nga, Trung Quốc đã tích cực nhập khẩu với số lượng lớn, trở thành thị trường quan trọng nhất đối với hydrocarbon từ Liên bang Nga.

Đồng thời Bắc Kinh không chỉ là khách hàng mua nhiên liệu, các tàu chở dầu của Trung Quốc còn hỗ trợ rất tích cực việc vận chuyển dầu thô và khí tự nhiên hóa lỏng từ Nga.

Trước thực tế trên, thương mại Nga - Trung đang phát triển tích cực, thống kê cho đến cuối năm 2022 cho thấy kim ngạch mua bán giữa hai nước lên tới 190 tỷ USD, con số này dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Phương Tây còn tin rằng Trung Quốc đang cung cấp cho Nga các sản phẩm kỹ thuật phức tạp đã bị chặn lại bởi các lệnh trừng phạt, hai bên cũng đang phát triển hợp tác quân sự.

Tờ Real Clear Defense nhấn mạnh: “Trung Quốc và Nga tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận song phương một cách thường xuyên, nổi bật là Vostok 22 diễn ra vào năm ngoái với sự góp mặt của 2.000 binh sĩ Trung Quốc, 300 phương tiện và 21 máy bay".

Tờ báo Mỹ tin rằng phương Tây đã sai lầm khi tin rằng có thể chia rẽ Nga và Trung Quốc, mặc dù đường lối của hai nước có thể không trùng khớp, nhưng họ sẵn sàng hợp tác với nhau để chống lại đối thủ lớn nhất chính là Mỹ.

Quá trình hợp tác giữa Nga và Trung Quốc trong tình hình hiện tại không chỉ mang lại lợi ích lớn cho Moskva mà Bắc Kinh cũng hưởng không ít sự "thuận lợi hiếm có".

Việc nối lại các hoạt động xã hội và kinh doanh ở Trung Quốc cũng như đưa vào vận hành đồng thời các nhà máy lọc dầu mới sẽ làm tăng nhập khẩu, khiến Bắc Kinh trở thành khách hàng mua nguyên liệu thô lớn nhất thế giới với mức cao kỷ lục trong năm nay.

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc có thể ở mức trung bình 12 triệu thùng/ngày trong năm nay, tức tăng khoảng 1 triệu thùng/ngày. Đây là con số nhiều hơn một cách "đáng báo động".

Con số trên còn nhiều hơn so với sản lượng mà ngành công nghiệp Nga sản xuất trước khi phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt, tức là trong thời kỳ sản xuất cao điểm nhất.

Nếu nhiên liệu thô của Nga không bị chặn đường sang phương Tây, Trung Quốc chắc chắn sẽ phải chật vật trong việc khôi phục nền kinh tế thời kỳ mở cửa sau đại dịch.