Chàng trai dân tộc Mường, nhân viên bán vé bể bơi đăng quang ngôi vị Quán quân âm nhạc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sinh ra và lớn lên ở tỉnh miền núi Hòa Bình, trong một gia đình không ai hoạt động âm nhạc, xung quanh cũng không có nhiều người biết muốn theo đuổi âm nhạc hàn lâm thì cần phải bắt đầu như thế nào. Vì vậy nói về con đường đến với nghệ thuật thanh nhạc, trở thành một sinh viên theo học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và mới đây là ngôi vị Quán quân cuộc thi "Hát thính phòng - nhạc kịch - hợp xướng toàn quốc 2023", Trần Quang Cảnh xúc động cho biết, với anh đó là một mối duyên và cả sự may mắn.

Tại bảng A dành cho độ tuổi từ 18 đến 23 tuổi, Trần Quang Cảnh dự thi với khung độ tuổi "kịch trần". Chàng trai dân tộc Mường chia sẻ, trước khi tham gia và giành ngôi vị Quán quân ở bảng này, anh đã có dịp học hỏi kinh nghiệm tại một số cuộc thi âm nhạc khác như: "Sao Mai 2022", "Giọng hát hay Hà Nội 2022", "Thanh âm Hà Nội 2022".

Tuy nhiên, trong suốt hành trình theo đuổi đam mê âm nhạc của mình, anh chưa bao giờ vơi nguôi mục đích lớn nhất là thử sức mình tại cuộc thi "Hát thính phòng - nhạc kịch – hợp xướng toàn quốc" lần này. Bởi trên thực tế đây là một cuộc thi quy mô lớn, được giới chuyên môn đánh giá cao và có sự thi thố tài năng của rất nhiều thí sinh chuyên nghiệp. Bởi thế ngay từ những ngày đầu khi bước chân vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, năm 2019, anh đã ấp ủ mơ ước một ngày nào đó mình cũng sẽ được đứng trên sân khấu cuộc thi này với tư cách thí sinh.

Nói thêm về hành trình trở thành Quán quân bảng A của cuộc thi năm nay, Trần Quang Cảnh kể, anh nghĩ điều thuận lợi nhất chính là cuộc thi được tổ chức đúng thời điểm bản thân mình cảm thấy tự tin và nhiệt huyết nhất. Nhớ lại, Trần Quang Cảnh bảo, khi đọc thông báo về cuộc thi, anh bất chợt cảm thấy băn khoăn không biết có nên ghi danh đăng ký hay không, sau đó anh lên lớp hỏi ý kiến từ người thầy chuyên ngành của mình là NSND Quốc Hưng. Người thầy nghệ sĩ đã động viên anh đi thi, đồng thời chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm.

Và rồi hai thầy trò bắt tay vào chọn và dựng bài suốt những ngày chuẩn bị bước vào ngày thi. Riêng khâu chọn bài, theo tiết lộ của Trần Quang Cảnh cũng chính là khâu khó nhất, phải cân não tính toán nhất bởi không khéo sẽ bị trùng tác phẩm dự thi với các thí sinh khác. Bên cạnh việc chọn tác phẩm ít thí sinh thể hiện còn phải luyện tập và xử lý làm sao để khoe được giọng hát của mình một cách tốt nha

Sau đó, hai thầy trò vẫn quyết định chọn thể hiện những tác phẩm tương đối khó được viết bằng tiếng Đức, tiếng Anh và cả những ca khúc Việt Nam. Trong đó, “Litanei” của Schubert dù là tác phẩm ngắn nhưng phải cần nội lực, cột hơi phải ổn định và phải rất khoẻ thì mới thể hiện tốt được. Anh đã phải dành nhiều thời gian để luyện tập cho việc phát âm tiếng Đức phải chuẩn, đặt vị trí âm thanh đúng chỗ thì tác phẩm mới ra đúng tâm hồn của tác giả. Hay như tác phẩm “The trumpet shall sound” của G. Handel được viết bằng tiếng Anh cũng khó không kém, đòi hỏi người hát phải có kỹ thuật mở vị trí âm thanh để khán giả nghe rõ được những phụ âm của tiếng Anh vì hát cổ điển rất khó đặt vị trí cho ngôn ngữ này. Còn ca khúc “Côn Đảo” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận khi hát cổ điển thính phòng điều cần chú ý nhất là phải hát được rõ lời, rõ từng câu chữ để khán giả nghe không thấy khô cứng và hiểu được thông điệp của sáng tác.

Trần Quang Cảnh tâm sự, anh có ước mơ trở thành ca sĩ từ khi còn nhỏ nhưng con đường đến với âm nhạc chuyên nghiệp, theo học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chỉ thật sự bắt đầu kể từ sau khi anh tốt nghiệp cấp 3.Chàng trai sinh năm 2000 này chia sẻ, anh đã khởi đầu hành trình âm nhạc của mình với đầy rẫy những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Điều đầu tiên là trong gia đình anh không có ai theo con đường nghệ thuật và ban đầu không ai ủng hộ ước mơ này của anh vì lo lắng con đường này có rất nhiều chông gai mà không ai có thể theo sát hỗ trợ anh.

Cũng theo nam nghệ sĩ trẻ, khó khăn tiếp theo mà anh gặp phải là bản thân sinh sống từ nhỏ ở vùng miền núi xa xôi, không biết một chút gì về kiến thức âm nhạc, chỉ có giọng hát hoàn toàn bản năng và đam mê cháy bỏng với nghệ thuật. Khi biết anh có ý định muốn thi thanh nhạc, bạn bè của anh khuyên phải học thì mới thi được vào trường nhạc. Lúc bấy giờ, suy nghĩ duy nhất của anh là: “giờ không biết lấy tiền đâu ra để đi học và còn rất nhiều những chi phí khác nữa như ăn ở và đi”. Những điều đó khiến anh suy nghĩ rất nhiều, sau cùng anh đã tự động viên bản thân: "thôi mình đã chọn con đường này rồi thì hãy quyết tâm phải theo đến cùng".

Để thực hiện ước mơ đó, chàng trai sinh năm 2000 quyết định rời quê xuống Hà Nội, xin đi làm ở thành phố rồi kết hợp đi học ôn, cứ vừa học vừa làm để hỗ trợ gia đình một phần nào đó. Cứ miệt mài như vậy cho đến khi đạt được ước mơ là chính thức trở thành sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Nhắc về khoảng thời gian này, Trần Quang Cảnh hồn nhiên kể, anh đánh liều bắt xe buýt ra Hà Nội với tâm thế còn không biết phải đi chuyến xe nào và đi về đâu. Sau đó xe vô tình dừng ở tại cổng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Đứng trước cánh cổng trường, khao khát được theo học nơi này càng cháy bỏng trong anh. Thời điểm chờ thi vào trường, anh tìm việc làm để có tiền trang trải cuộc sống và ôn thi. Công việc lúc đó của chàng trai dân tộc Mường là làm nhân viên bán vé bể bơi, ngày nào cũng làm từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối.

"Ngày nào cũng vậy cho tới khi tôi được đi học thì vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để vẫn làm được việc. 5 giờ sáng đi làm, tranh thủ học vào lúc buổi trưa, rồi lại đi làm. Những ngày trời mưa, lạnh, dậy sớm, xe buýt chạy qua mình không kịp đón, cảm giác tủi thân đôi lúc tôi cũng muốn buông xuôi." - Trần Quang Cảnh bùi ngùi nhớ lại và cho biết, sau này khi thi đỗ và theo khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, anh được NSND Quốc Hưng dìu dắt tận tình. Hiện tại anh vẫn vừa học, vừa làm để thực hiện đến cùng ước mơ nghệ thuật từ thuở nhỏ.

Trần Quang Cảnh và NSND Quốc Hưng

Trần Quang Cảnh và NSND Quốc Hưng

Giành ngôi vị Quán quân bảng A chung cuộc, Trần Quang Cảnh xúc động cho biết, người đầu tiên anh nghĩ tới khi đứng trên sân khấu nhận giải chính là người thầy của mình - NSND Quốc Hưng. Có lẽ đây là món quà đầu tiên lớn nhất sau gần 10 năm anh được người thầy này chỉ dạy từ những điều nhỏ nhất trong âm nhạc lẫn ngoài cuộc sống, cũng như các thầy cô đang giảng dạy cho mình ở trường nhạc.

Bước ra từ cuộc thi, Trần Quang Cảnh bảo, anh sẽ tiếp tục việc học, không ngừng trau dồi thêm những kinh nghiệm để hoàn thiện bản thân hơn và từng bước đường làm nghề một cách chuyên nghiệp. Nam ca sĩ trẻ cũng bày tỏ mong muốn có được cơ hội cọ sát trên sân khấu nhiều hơn, để có dịp truyền "lửa" đam mê âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc thính phòng cổ điển đến với đông đảo khán giả trẻ.

Video Trần Quang Cảnh thể hiện ca khúc "Côn Đảo" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận: