Cấp bách ngừng bắn tại Dải Gaza

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khi mà những chiếc xe tăng hạng nặng của Israel đã tiến vào cửa khẩu của thành phố Rafah đang có hàng triệu người Palestine từ khắp Dải Gaza về đây lánh nạn kể từ khi xung đột bùng phát đã khiến cho việc đạt được một lệnh ngừng bắn giữa Israel và Phong trào Hamas càng trở lên cấp bách.

Hơn 1 triệu người Palestine đối mặt với ác mộng “thảm họa nhân đạo”

Trong diễn biến mới nhất, các phái đoàn của Israel, Phong trào Hồi giáo Hamas, Qatar và Mỹ ngày 7-5 đã đến Thủ đô Cairo của Ai Cập để nối lại đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza. Dù chưa có kết quả của vòng đàm phán mới nhất, song động thái tích cực này cũng nhen nhóm lên hy vọng về việc các bên có thể đi tới một lệnh ngừng bắn vào thời điểm “nước sôi lửa bỏng” như hiện nay.

Vòng đàm phán hiện nay diễn ra trong bối cảnh quân đội Israel đang chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm thành phố Rafah nằm ở phía Nam Dải Gaza. Nơi đây đang là nơi lánh nạn của hơn một triệu người Palestine từ khắp Dải Gaza đổ về kể từ khi xảy ra cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas hồi tháng 10 năm ngoái.

Hàng triệu người dân Palestine ở thành phố Rafah đang đối mặt với ác mộng thảm họa nhân đạo nếu Israel mở chiến dịch quân sự quy mô lớn vào đây

Hàng triệu người dân Palestine ở thành phố Rafah đang đối mặt với ác mộng thảm họa nhân đạo nếu Israel mở chiến dịch quân sự quy mô lớn vào đây

Sau cuộc tấn công bất ngờ của các tay súng thuộc Phong trào Hồi giáo Hamas sang lãnh thổ Israel ngày 7-10-2023 khiến hơn 1.000 người Israel thiệt mạng và hơn 200 người bị bắt làm con tin, Israel đã mở chiến dịch quân sự lớn vào thành phố Gaza cũng như các thành phố, thị trấn khác ở phía Bắc Dải Gaza để thực hiện điều mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố: Tiêu diệt lực lượng Hamas! Suốt hơn 6 tháng qua, quân đội Israel đã tiến hành một chiến dịch quân sự vô cùng khốc liệt nhằm tại thành phố Gaza cũng như các thành phố, thị trấn của người Palsestine. Nhiều thành phố, thị trấn vốn là nơi sinh sống của hàng triệu người dân Palestine như thành phố Gaza hay của hàng chục nghìn người tại các thành phố, thị trấn khác ở Dải Gaza bị tàn phá vô cùng nặng nề, trở thành đống đổ nát hoang tàn không thể sinh sống.

Đặc biệt là tổn thất về sinh mạng của người Palestine. Cơ quan Y tế của Dải Gaza ngày 4-5 vừa qua công bố số liệu thống kê cho thấy, kể từ khi xảy ra xung đột với Israel, số người Palestine thiệt mạng tại đây đã vượt 34.650 người và số bị thương là 77.900 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Trong khi đó, phía Israel có hơn 1.000 người thiệt mạng trong cuộc tấn công bất ngờ của các tay súng Hamas ngày 7-10-2023 và khoảng 200 người bị bắt làm con tin hiện chưa rõ số phận.

Do vậy, khi lực lượng quân đội Israel trang bị xe tăng hạng nặng áp sát thành phố Rafah, không chỉ người dân Palestine đang lánh nạn tại đây mà cộng đồng quốc tế đã vô cùng lo ngại về việc cảnh khốc liệt, hủy diệt từng diễn ra tại thành phố Gaza cũng như nhiều thành phố, thị trấn khác ở phía Bắc Dải Gaza sẽ tái xuất hiện ở thành phố phía Nam Dải Gaza này.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 7-5 đã kêu gọi Israel và lực lượng Hamas nỗ lực nhằm đạt thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời cảnh báo Israel rằng cuộc tấn công vào thành phố Rafah ở phía Nam Gaza sẽ “là sai lầm chiến lược, tai họa chính trị và cơn ác mộng nhân đạo”. Người đứng đầu Liên hợp quốc tỏ ra hết sức lo ngại trước điều mà ông gọi là “hành động quân sự mới tại Rafah”.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo, khoảng 600.000 trẻ em ở thành phố Rafah đứng trước nguy cơ thảm họa một khi quân đội Israel triển khai chiến dịch quân sự trên bộ vào thành phố này. Theo UNICEF, chiến dịch quân sự này sẽ gây tổn thất ở mức cao đối với dân thường, hủy hoại những hạ tầng, dịch vụ thiết yếu còn sót lại vốn rất cần thiết cho cuộc sống của người dân và trẻ em ở Rafah. Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) nhấn mạnh, chiến dịch quân sự ở Rafah sẽ gây ra tổn thất tính mạng, tài sản cũng như hậu quả nặng nề đối với khoảng 1,4 triệu người đang tránh trú tại thành phố này. Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Turk cũng cảnh báo về mức độ tổn thất gia tăng tại thành phố Rafah.

Ngừng bắn hay leo thang xung đột khốc liệt?

Kể từ khi xung đột bùng tới nay, dưới áp lực của cộng đồng quốc tế, Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas đã tiến hành nhiều vòng đàm phán, trong đó từng đạt được một lệnh ngừng bắn ngắn hạn tại thành phố Gaza. Khi chiến sự càng khốc liệt, số thường dân thương vong cùng các thành phố, thị trấn của người Palestine bị tàn phá ngày càng nặng nề, đòi hỏi và áp lực của quốc tế về một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel ngày càng gia tăng, đặc biệt là yêu cầu Israel ngừng ngay chiến dịch quân sự quy mô lớn tại thành phố Rafah.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 7-5 tuyên bố, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thể hiện rõ quan điểm với Israel về cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn vào Rafah. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, chính quyền Mỹ vẫn tin rằng thỏa thuận trao đổi con tin là điều tốt nhất và có lợi cho cả người dân Palestine và Israel, theo đó sẽ dẫn đến lệnh ngừng bắn ngay lập tức và cho phép tăng cường hoạt động viện trợ nhân đạo vào Gaza. Đây là phản ứng đầu tiên của Washington kể từ khi các lực lượng Israel kiểm soát một phần cửa khẩu Rafah. Có những thông tin cho thấy, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã gây áp lực với chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu, mà một trong những động thái mạnh mẽ nhất là ngừng chuyển giao đạn dược, vũ khí viện trợ quân sự cho Israel.

Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell sau khi bày tỏ lo ngại rằng “không có vùng an toàn ở Gaza” để người dân Palestine lánh nạn, trong đó có 600.000 trẻ em đang cư trú ở khu vực đông dân cư này, đã nhấn mạnh EU và Mỹ đều đã yêu cầu Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngừng tấn công Rafah. Trong khi đó, Bộ trưởng Phát triển Bỉ Caroline Gennez cho rằng, cuộc tấn công này sẽ vượt qua “ranh giới đỏ” và EU cần cân nhắc “các biện pháp trừng phạt”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nêu rõ: “Trung Quốc mạnh mẽ kêu gọi Israel lưu tâm đến yêu cầu của cộng đồng quốc tế, ngừng tấn công Rafah và làm mọi thứ có thể để tránh một thảm họa nhân đạo nghiêm trọng hơn ở Dải Gaza”. Ông Lâm Kiếm nhấn mạnh thêm, Bắc Kinh “bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Israel lên kế hoạch triển khai chiến dịch quân sự trên bộ tại Rafah”.

Cho tới khi bước vào vòng đàm phán hiện nay tại Cairo, Phong trào Hồi giáo Hamas và các nhà trung gian đàm phán của Ai Cập đã đạt được đồng thuận về nhiều vấn đề bất đồng trong cuộc đàm phán với phía Israel. Theo đó, Hamas nhất trí thực hiện giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận trả tự do cho con tin, với điều kiện Mỹ đảm bảo rằng quân đội Israel sẽ hoàn toàn rút khỏi Dải Gaza sau 124 ngày, thời điểm cả 3 giai đoạn của thỏa thuận được hoàn tất. Mỹ cũng cần bảo đảm rằng Israel sẽ không tiến hành kế hoạch tấn công quân sự vào thành phố Rafah.

Trong khi đó, theo đề xuất của Israel, giai đoạn ngừng bắn đầu tiên kéo dài 40 ngày, trong đó Hamas thả tối đa 33 trong hơn 100 con tin của Israel vẫn bị giữ tại Gaza kể từ khi xảy ra xung đột hôm 7-10-2023. Trong khoảng thời gian này, các bên sẽ tiến hành đàm phán để có một lệnh ngừng bắn lâu dài hơn.

Ngoài ra, giai đoạn 1 ngừng bắn cũng được cho là bao gồm việc Israel chấp thuận để người dân Palestine phải đi lánh nạn có thể quay trở lại phía Bắc Dải Gaza. Giai đoạn ngừng bắn thứ hai sẽ kéo dài ít nhất 6 tuần, các bên sẽ đồng ý thả con tin với số lượng lớn hơn và cam kết tạm dừng giao tranh trong thời gian dài, có thể tới 1 năm. Xung đột giữa Israel và Hamas sẽ lắng dịu hay gia tăng khốc liệt, “số phận” của thành phố Rafah cùng hàng triệu người Palestine sẽ ra sao?... Tất cả điều đó đang trông chờ vào kết quả vòng đàm phán hiện nay giữa Israel và Hamas tại Cairo.