Các nước siết “vòng kim cô” ngăn hệ lụy xấu từ Telegram

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
ANTD.VN - Trong những năm gần đây, Telegram đã bị giám sát chặt chẽ khi giới tội phạm và những phần tử cực đoan ngày càng lợi dụng ứng dụng này làm công cụ hoạt động bí mật và an toàn. Vụ Pháp bắt giữ ông chủ Telegram Pavel Durov sẽ càng thúc đẩy làn sóng hành động mạnh mẽ hơn từ các chính phủ đối với hệ lụy xấu từ Telegram.

Ấn Độ, Indonesia đưa Telegram vào “tầm ngắm”

Chỉ một ngày sau khi ông chủ Telegram là Pavel Durov bị bắt, Chính phủ Ấn Độ tuyên bố đang điều tra ứng dụng về vai trò bị cáo buộc trong một số hoạt động tội phạm và sẽ xem xét lệnh cấm tùy vào kết quả điều tra. Hiện Ấn Độ có khoảng 104 triệu người sử dụng Telegram và đây là ứng dụng có lượng người dùng lớn nhất nước này.

Top 10 quốc gia có người sử dụng ứng dụng Telegram nhiều nhất năm 2024, trong đó Việt Nam đứng thứ 7 với 11,84 triệu người dùng

Top 10 quốc gia có người sử dụng ứng dụng Telegram nhiều nhất năm 2024, trong đó Việt Nam đứng thứ 7 với 11,84 triệu người dùng

Cuộc điều tra của Bộ Nội vụ cùng Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ nhắm đến cáo buộc về sử dụng sai mục đích ứng dụng này trong các hoạt động tội phạm như tống tiền, đánh bạc, gian lận thị trường chứng khoán. Ngày 24-7-2024, Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Ấn Độ (SEBI) đã phát hiện chương trình thao túng giá cổ phiếu của một công ty sản xuất tôn thép thông qua ứng dụng Telegram. Sự việc này đã chứng minh hành vi gian lận tài chính có thể được thực hiện thông qua kênh liên lạc riêng tư, được mã hóa của ứng dụng. Ngoài ra, quốc gia tỷ dân này đã chứng kiến ứng dụng làm rò rỉ một số đề thi và phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em...

Việc điều tra Telegram tại Ấn Độ đặt ra những thách thức riêng. Telegram sử dụng mã hóa đầu cuối cho các cuộc trò chuyện bí mật, đảm bảo chỉ những người dùng đang giao tiếp mới có thể đọc được tin nhắn. Mức độ bảo mật này, mặc dù có lợi cho quyền riêng tư của người dùng, nhưng lại làm phức tạp thêm các nỗ lực thực thi pháp luật nhằm theo dõi các hoạt động bất hợp pháp. Ngoài ra, các máy chủ của ứng dụng được phân bổ trên nhiều quốc gia, làm phức tạp thêm các vấn đề về quyền tài phán. Bất chấp những khó khăn này, chính phủ Ấn Độ vẫn quyết tâm giải quyết tình trạng sử dụng sai mục đích nền tảng này.

Không chỉ Ấn Độ mà mới đây, Indonesia cũng có động thái để mắt đến Telegram. Theo tờ Jakarta Globe, Indonesia đang xem xét chặn ứng dụng phát trực tiếp Bigo Live và nền tảng nhắn tin Telegram do bị cáo buộc liên quan đến việc truyền bá nội dung khiêu dâm và thúc đẩy cờ bạc trực tuyến. Ông Budi Arie Setiadi - Bộ trưởng Truyền thông và Tin học của Indonesia cho hay: “Chúng tôi hành động dựa trên bằng chứng thu thập được. Nếu tìm thấy bằng chứng về nội dung khiêu dâm hoặc quảng bá cờ bạc, chúng tôi sẽ tiến hành chặn các nền tảng”.

Singapore áp dụng biện pháp khẩn cấp và lâu dài

Cảnh sát Singapore hôm 22-8 cho hay, ngày càng nhiều người Singapore trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trên Telegram, với mức tăng 137,5% số vụ trong nửa đầu năm nay. Lừa đảo đầu tư là loại lừa đảo phổ biến nhất, chiếm 38,6% các vụ việc. Phần còn lại chủ yếu là lừa đảo thương mại điện tử và việc làm. Trong đó, 86% các vụ lừa đảo là do nạn nhân tự chuyển tiền, có nghĩa là những kẻ lừa đảo không kiểm soát trực tiếp tài khoản của nạn nhân mà thao túng họ thực hiện trực tiếp các giao dịch tiền tệ. Cảnh sát đã hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử để xóa các tài khoản trực tuyến và quảng cáo liên quan đến lừa đảo. Họ cũng hợp tác với các công ty viễn thông địa phương để chấm dứt các đường dây điện thoại liên quan đến lừa đảo.

Ông Aileen Yap - Trợ lý Giám đốc Bộ Chỉ huy Phòng chống lừa đảo thuộc Cảnh sát quốc gia Singapore cho biết, hơn 204 triệu đô la Singapore tiền tổn thất tiềm ẩn đã được ngăn chặn trong nửa đầu năm nay nhờ sự phối hợp của cảnh sát với ngân hàng và các công ty an ninh mạng. Cảnh sát cũng hợp tác chặt chẽ với các đối tác nước ngoài như Malaysia và Interpol để chia sẻ thông tin trong các vụ lừa đảo xuyên quốc gia. Cùng với đó, cảnh sát Singapore sẽ cải tiến ứng dụng di động ScamShield, trong đó người dùng tải ảnh chụp màn hình nội dung nhận được trên các nền tảng như WhatsApp và Telegram, ScamShield sẽ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo phân tích, xác định xem nội dung đó có khả năng là độc hại hay không.

Giới chuyên gia cho rằng, việc cấm Telegram hay các ứng dụng khác sẽ khó khăn bởi chúng liên tục ra đời với mức độ rủi ro khó lường. Vì vậy, giải pháp lâu dài vẫn là giáo dục người dân về tự bảo vệ mình trên môi trường trực tuyến. Ông Sun Xueling - Bộ trưởng Nội vụ và phát triển xã hội Singapore cho biết: “Xã hội số là một phần rất quan trọng của các vụ lừa đảo. Vì vậy chúng ta cần tăng cường nỗ lực tuyên truyền để công chúng không bị thao túng chuyển tiền vào các tài khoản lừa đảo”.

Đan Mạch muốn cấm các cuộc trò chuyện được mã hóa

Bộ trưởng Tư pháp Đan Mạch Peter Hummelgaard mới đây cho biết, ông rất muốn chặn các dịch vụ nhắn tin được mã hóa đầu cuối (E2EE) trong bối cảnh tội phạm liên quan đang tăng vọt. Các thành viên của các băng đảng tội phạm ẩn náu dưới sự bảo vệ của nhà cung cấp E2EE, làm suy yếu khả năng giám sát của chính quyền. Sau khi CEO của Telegram bị Pháp bắt giữ, Bộ trưởng Tư pháp Đan Mạch đề xuất tăng thêm áp lực lên các nhà cung cấp E2EE bằng cách chặn các ứng dụng phổ biến như Signal, Telegram, WhatsApp để ngăn tội phạm khi chúng coi đây là thiên đường kỹ thuật số an toàn.

Mặc dù đề xuất của ông Hummelgaard có vẻ cực đoan, nhưng vụ bắt giữ tỷ phú công nghệ Pavel Durov và động thái gần đây của Liên minh châu Âu nhằm bật đèn xanh cho việc tìm kiếm thông tin liên lạc riêng tư của người dùng cho thấy, chính quyền các nước có thể muốn các nền tảng ứng dụng minh bạch hơn, có trách nhiệm hơn đối với nội dung bất hợp pháp hoặc phải hợp tác cung cấp thông tin chi tiết về người dùng đăng nội dung đó.

Hàng loạt quốc gia siết chặt lệnh cấm Telegram

Kể từ năm 2015 đã có 31 quốc gia cấm nền tảng Telegram tạm thời hoặc vĩnh viễn, ảnh hưởng đến hơn 3 tỷ người dùng trên toàn cầu. Người Tây Ban Nha đã không thể sử dụng Telegram trong thời gian ngắn vào tháng 3-2024 vì lệnh cấm ứng dụng sau khi 4 tập đoàn truyền thông nổi tiếng của nước này (bao gồm Mediaset, Atresmedia, Movistar và Egeda) phàn nàn rằng Telegram phát tán nội dung mà không xin phép bản quyền. Thẩm phán đã yêu cầu ứng dụng gửi một số thông tin nhất định phục vụ vụ kiện vào tháng 7-2023 và ra lệnh chặn do công ty không phản hồi. Tuy nhiên, phán quyết sau đó đã bị thu hồi khi dư luận phản ánh là không thỏa đáng và có thể gây thiệt hại cho hàng triệu người dùng.

Na Uy coi Telegram là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia. Vào tháng 3-2023, chính phủ nước này đã cấm toàn bộ bộ trưởng, thư ký nhà nước, cố vấn chính trị sử dụng Telegram và TikTok trên các thiết bị làm việc. Bộ trưởng Tư pháp Na Uy Emilie Enger Mehl cho biết: “Trong bản đánh giá về mối đe dọa công khai “Focus 2023”, cơ quan tình báo chỉ ra mạng xã hội là môi trường thuận lợi cho những kẻ muốn gây ảnh hưởng đến công chúng thông qua tin tức sai lệch và giả mạo”.

Năm 2022, Đức từng cân nhắc việc cấm Telegram sau khi chính phủ phát hiện 64 kênh có khả năng vi phạm luật pháp về phát ngôn thù địch, chẳng hạn như các kênh âm mưu bài Do Thái. Đức đã ban hành mức phạt hơn 5 triệu USD đối với các nhà điều hành Telegram vì đã không thiết lập các kênh để người sử dụng báo cáo về những bài đăng phi pháp. Bộ Nội vụ Đức nhấn mạnh, Internet không phải không gian vô pháp luật và những nội dung phạm tội phải bị truy tố. Do đó, các nền tảng phải có nghĩa vụ cung cấp một hệ thống khiếu nại thích hợp. Theo quy định hiện hành của Đức, truyền thông xã hội trực tiếp có nghĩa vụ cung cấp các kênh để người dùng báo cáo về những nội dung tiềm ẩn nguy cơ phạm tội. Các mạng truyền thông cũng có nghĩa vụ loại bỏ những nội dung phi pháp và báo cáo trường hợp vi phạm với cảnh sát.

Nga đã cấm Telegram trong khoảng 2 năm kể từ 2018 sau khi nhà đồng sáng lập kiêm CEO Pavel Durov không tuân thủ yêu cầu cung cấp thông tin về một số người dùng. Tuy nhiên, chính quyền Nga đã dỡ bỏ mọi hạn chế đối với nền tảng này sau khi tuyên bố ông Durov sẵn sàng hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.

Telegram là công cụ quan trọng ở Belarus để truyền bá thông tin về các cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm 2020 và 2021. Đây là một trong số ít ứng dụng mạng xã hội còn hoạt động khi đất nước này chặn Internet trong 3 ngày xuyên suốt quá trình bầu cử Tổng thống. Ngay sau cuộc bỏ phiếu, Belarus đã công bố danh sách các kênh Telegram được coi là cực đoan và chủ yếu là hoạt động chống chính phủ. Người dân tham gia những kênh này có nguy cơ bị phạt tù tới 7 năm.