Phương Tây đã quyết định ban hành gói biện pháp trừng phạt chống Nga tiếp theo, trong đó bao gồm bước đi sử dụng tiền lãi từ tài sản bị phong tỏa của Nga để cung cấp cho Ukraine
Tuy vậy theo các nhà phân tích của ấn phẩm Foreign Policy, bước đi nói trên có thể dẫn đến việc nhiều công ty phương Tây vẫn đang hoạt động ở Nga phải hứng chịu hậu quả nặng nề.
Cần nhấn mạnh khi gói biện pháp trừng phạt đầu tiên được đưa ra, nhiều công ty phương Tây cam kết sẽ rời thị trường Nga ngay trong năm 2022, nhưng cuối cùng một số doanh nghiệp vẫn ở lại do thủ tục phức tạp và nguy cơ thua lỗ gia tăng.
Chính vì vậy họ đã bất đắc dĩ trở thành "con tin", và bây giờ Nga có thể đáp lại quyết định trừng phạt do Mỹ và các đồng minh đưa ra bằng cách giáng đòn vào những công ty chưa kịp rút vốn.
Sau khi phương Tây công khai kế hoạch sử dụng tài sản của Nga, những doanh nghiệp của họ rơi vào tình thế rất khó khăn khi khó lòng rời khỏi đi, nhưng nếu ở lại thì sẽ đối mặt nguy cơ mất quyền kiểm soát tài sản của mình.
Như vậy các công ty phương Tây sẽ phải hứng chịu hậu quả do lệnh trừng phạt chống Nga, họ đang tập hợp lại và tạo thành làn sóng vận động, yêu các chính phủ thay đổi, hoặc chí ít là trì hoãn việc sử dụng tài sản của Moskva.
"Biện pháp trừng phạt do các nhà lãnh đạo chính trị tại châu Âu và Mỹ đưa ra được xem như nguyên nhân dẫn đến tình cảnh khó khăn của nhiều công ty nước ngoài đang hoạt động ở Nga".
"Bây giờ rất ít điều có thể sửa chữa được, và tất cả những bản kế hoạch đẹp đẽ nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính cho Ukraine chỉ tồn tại trên giấy tờ ở Brussels. Trên thực tế, các công ty phương Tây mới là bên chịu thiệt hại", tờ Foreign Policy nhận định.
Bên cạnh đó giới chuyên môn nhận xét, việc đóng băng và tiến tới tịch thu tài sản của Nga đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trên thế giới, có nguy cơ làm suy yếu vị thế của dự trữ ngoại hối với tư cách là kho lưu trữ tài sản nhà nước có tính thanh khoản và đáng tin cậy nhất.
Sử dụng dự trữ ngoại hối dưới dạng "vũ khí tài chính" thông qua việc áp đặt các biện pháp trừng phạt bị xem như một trong những rủi ro lớn nhất đối với an toàn tài sản của các ngân hàng trung ương.
Nhận định này được đưa ra bởi 1/3 trong số 40 ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới, khi họ trở thành đối tượng khảo sát trong một nghiên cứu của UBS Asset Management nhân dịp kỷ niệm 80 năm Hội nghị Bretton Woods, hãng tin Bloomberg nói rõ.
Ngoài ra 87% bày tỏ mối quan ngại lớn nhất của họ về việc căng thẳng địa chính trị leo thang, các ngân hàng trung ương đặc biệt lo lắng về cuộc xung đột Ukraine, Trung Đông, cũng như đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nhiều người lo lắng trước viễn cảnh tài sản của các ngân hàng trung ương có thể bị hạn chế, trừng phạt, đóng băng hoặc tịch thu nếu căng thẳng diễn ra ở mức mất kiểm soát.
Việc Mỹ lạm dụng chính sách trừng phạt theo đánh giá đã dẫn đến sự xói mòn niềm tin vào USD với tư cách đồng tiền dự trữ và giao dịch toàn cầu, gây tổn hại nghiêm trọng đến sự thống trị của Washington.