"Bước đường cùng" phá sản

ANTD.VN - Là một vùng đất thuộc quốc gia giàu có nhất thế giới là Mỹ, song Puerto Rico đã phải đi “bước đường cùng” tuyên bố phá sản để tái cơ cấu khoản nợ công khổng lồ.

"Bước đường cùng" phá sản ảnh 1Hơn 45% dân số Puerto Rico sống ở mức nghèo khó có thể còn khó khăn hơn sau khi vùng lãnh thổ này tuyên bố phá sản

Thống đốc Puerto Rico Ricardo Roselló ngày 3-5 đã buộc phải tuyên bố phần lãnh thổ thuộc Mỹ này đã phá sản để tái cấu trúc khoản nợ công khổng lồ lên tới 70 tỷ USD. Đây được coi là vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử thị trường nợ của Mỹ từ trước tới nay. 

Puerto Rico, với diện tích hơn 9.000km2 nằm trên vùng biển Caribe, từ nhiều năm nay đã lâm vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Dù là một phần lãnh thổ chưa hợp nhất với Mỹ song Puerto Rico có tỷ lệ sống ở mức nghèo đói lên tới 45% dân số và tỷ lệ thất nghiệp tới hơn 12%, tức cao gấp đôi tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ, đặc biệt là nợ công lên tới 70 tỷ USD, cao hơn cả GDP của vùng lãnh thổ có 3,5 triệu dân này.

Để tránh cho Puerto Rico khỏi bị phá sản, Hạ viện Mỹ hồi tháng 6-2016 đã nhất trí thông qua một dự luật “Luật giám sát, quản lý và bình ổn kinh tế Puerto Rico” (PROMESA) nhằm giúp vùng lãnh thổ hải ngoại này xử lý khoản nợ 70 tỷ USD. Tổng thống Mỹ Brack Obama sau đó đã ký thành Luật Cứu trợ tài chính cho Puerto Rico, trong đó bao gồm việc lập một ban giám sát liên bang để làm việc với các nhà đầu tư nhằm giải quyết khoản nợ khổng lồ đè nặng lên nền kinh tế vùng lãnh thổ này.

Với sự trợ giúp của chính phủ liên bang Mỹ, Thống đốc Roselló vào tháng 3-2017 đã đệ trình kế hoạch trả nợ với dự kiến mỗi năm Puerto Rico sẽ chi trả 800 triệu USD để trang trải nợ. Do số tiền trả nợ được cho là quá thấp, chưa tới 1/4 khoản nợ lẽ ra Puerto Rico phải trả, nên cuộc đàm phán về tái cấu trúc nợ giữa các chủ nợ và vùng lãnh thổ này rơi vào ngõ cụt và hệ quả cuối cùng là ông Roselló đã buộc phải tuyên bố phá sản.

Khi hoàn thành các thủ tục phá sản, bang tự do Puerto Rico của Mỹ có khả năng được cắt giảm đáng kể các nghĩa vụ tài chính với các chủ nợ. Tuy nhiên, đổi lại Puerto Rico sẽ bị mất uy tín trầm trọng đối với các nhà đầu tư và sẽ gặp vô vàn khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường vốn đầu tư đang rất cần thiết để vực dậy nền kinh tế ốm yếu; trái phiếu của vùng lãnh thổ này cũng sẽ bị các cơ quan xếp hạng tín nhiệm tài chính “giáng cấp” xuống mức “vô giá trị”.

Bởi thế, việc phải tuyên bố phá sản là việc làm cực chẳng đã khi tới “bước đường cùng” không thể trả nợ của Puerto Rico. Trước vùng lãnh thổ này của Mỹ, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng phải lao đao vì nợ công, trong đó nặng nề nhất là Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italia, Ukraine… Như trường hợp của Hy Lạp phải nhận tới 3 gói cứu trợ của các chủ nợ quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh châu Âu (EU) với tổng trị giá hơn 300 tỷ euro mới khỏi rơi vào trình trạng phá sản.

Tuy nhiên, để có thể nhận được các khoản cứu trợ quốc tế, các quốc gia “con nợ” phải chấp nhận hy sinh, đánh đổi rất nhiều thứ. Đau đớn nhất là phải chấp nhận các biện pháp cải cách kinh tế khắc khổ dẫn tới những căng thẳng dễ bùng nổ về xã hội. Song, dù “uống toa thuốc đắng” để nhận cứu trợ vẫn còn hơn là phải đi tới “bước đường cùng” phá sản như Puerto Rico.