Vượt qua “cơn bão” nợ công

ANTĐ - Việc Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s nâng hạng tín nhiệm trái phiếu chính phủ của Hy Lạp lên hai bậc, từ Caa3 lên Caa1, là tín hiệu cho thấy cơn sốt nợ công của nước này đã dịu bớt.  

Du lịch là lĩnh vực chính giúp cho Hy Lạp tăng trưởng

Theo Moody’s, việc nâng bậc tín nhiệm trái phiếu chính phủ Hy Lạp là do những tiến bộ của nước này trong lĩnh vực tài chính cũng như những triển vọng trong các cam kết mới đây của Athens. Các chuyên gia Moody’s nêu rõ nợ công của Hy Lạp - hiện tương đương 179% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tiếp tục ở mức đỉnh trong năm 2014 nhưng sẽ giảm dần khi nền kinh tế bắt đầu mở rộng. 

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khủng hoảng khu vực đồng tiền chung châu Âu, tăng trưởng kinh tế Hy Lạp sụt giảm mạnh trong vòng 6 năm trở lại đây. Hệ quả thật nặng nề: sau 6 năm khủng hoảng, kinh tế Hy Lạp giảm đi 25%, tỷ lệ thất nghiệp là trên 25%. Đã có lúc người ta nghĩ tới kịch bản tồi tệ khi quốc gia này phải tuyên bố phá sản. 

Tuy nhiên, các con số thống kê mới nhất cho thấy kinh tế Hy Lạp đang có dấu hiệu sống lại. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Quỹ nghiên cứu Kinh tế và Công nghiệp Hy Lạp cho rằng, Hy Lạp sẽ có mức tăng trưởng GDP khoảng 0,5 - 0,6% trong năm 2014. Tuy vẫn thấp hơn 20% so với mức năm 2009 là thời kỳ đầu của cuộc khủng hoảng nhưng mức lương bình quân tại Hy Lạp hiện nay đã đạt trên 800 euro/tháng.

Có thể thấy các gói cứu trợ khẩn cấp cho Hy Lạp đã phát huy tác dụng. Để giải cứu Hy Lạp, nhóm “bộ ba” chủ nợ gồm Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng trung ương châu Âu ECB đã tung ra hai gói cứu trợ khổng lồ với tổng trị giá 240 tỷ euro (331 tỷ USD). Theo IMF, nhờ sự trợ giúp này nên dù còn nhiều thách thức nhưng chính phủ “Xứ sở thần thoại” đã đáp ứng vượt một số chỉ tiêu đề ra về thu hẹp lỗ hổng ngân sách.

Thế nhưng nhìn lại, có thể thấy chính sức mạnh nội tại mới là yếu tố quyết định giúp Hy Lạp vượt qua “cơn bão” nợ công. Các nhà kinh tế thừa nhận, nhờ biết khai thác những lợi thế cạnh tranh như điều kiện địa lý, khí hậu, văn hóa, các nguồn tự nhiên, hiểu biết và tay nghề của lực lượng lao động..., Hy Lạp đã lấy lại sức cạnh tranh. Bằng chứng là tăng trưởng của Hy Lạp năm nay chủ yếu dựa vào du lịch với số lượng khoảng 20 triệu du khách, tức gấp đôi dân số quốc gia, và doanh thu chiếm 17% GDP.

Cũng nhờ khơi dậy được các yếu tố nội lực mà Hy Lạp phần nào giảm bớt được những tác động tiêu cực về mặt xã hội từ kế hoạch thắt lưng buộc bụng hà khắc mà nước này phải áp dụng từ năm 2010 theo yêu cầu của EU và IMF để đổi lấy các gói cứu trợ. Các biện pháp này đã giảm đáng kể mức sống của tất cả tầng lớp dân chúng từ viên chức, người làm công ăn lương, người buôn bán, hưu trí. Nỗ lực của Hy Lạp đã phần nào lấy lại niềm tin cho châu Âu sau “cơn bão” nợ công.