Bốn bác sĩ Nga mắc Covid-19 dù đã được tiêm vắc-xin Sputnik V

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - RT ngày 12-11 đưa tin cho biết, bốn bác sĩ được tiêm vắc-xin Sputnik V của Nga để phòng Covid-19 sau đó đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona, làm dấy lên nghi ngờ về hiệu quả của nó.

Bác sĩ Nga trong trang phục bảo hộ chống Covid-19

Bác sĩ Nga trong trang phục bảo hộ chống Covid-19

Theo nguồn tin, ba bác sĩ nhiễm Covid-19 đầu tiên mặc dù đã được tiêm vắc-xin Sputnik V là vào ngày 10-11 tại Vùng Altai, gần biên giới với Kazakhstan. Theo chuyên gia chính về bệnh truyền nhiễm trong khu vực, những bác sĩ này mắc virus corona dù đã được tiêm phòng, nguyên nhân là do khả năng miễn dịch chưa hình thành đầy đủ.

Bác sĩ thứ 4 mắc Covid-19 được ghi nhận tại vùng Kemerovo. Phó giám đốc cơ quan y tế khu vực cho biết, người này có kết quả dương tính khoảng 5, 6 ngày sau khi được tiêm mũi vắc-xin đầu tiên.

Các nhà khoa học nhận định, cơ thể con người sau khi được tiêm vắc-xin Covid-19, cần một thời gian để phát triển các kháng thể chống lại virus. Trong trường hợp Sputnik V, khả năng miễn dịch đầy đủ sẽ không hình thành cho đến khi người bệnh được tiêm mũi tăng cường, 21 ngày sau mũi tiêm đầu tiên.

Nói với trang tin địa phương amic.ru về trường hợp của ba bác sĩ đầu tiên bị nhiễm Covid-19 sau khi đã được tiêm Sputnik V, bà Irina Pereladova, trưởng nhóm dịch tễ học của vùng Altai, lưu ý một nguyên nhân khác gây mắc bệnh.

Theo bà, 42 nhân viên y tế Altai được tiêm chủng có kết quả âm tính với virus corona một ngày trước khi tiêm vắc-xin. Do đó, ba bác sĩ này có thể đã nhiễm virus trong khoảng thời gian từ lúc có kết quả xét nghiệm âm tính cho đến khi họ được tiêm vắc-xin.

Ngày 11-11, các nhà phát triển Sputnik V đã thông báo rằng, vắc-xin của họ đạt hiệu quả 92% và không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Thống kê được đưa ra sau khi quan sát 16.000 tình nguyện viên.

Vào ngày 11-8 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo nước này đã đăng ký vắc-xin Covid-19 đầu tiên trên thế giới, do Viện Gamaleya về Dịch tễ học và Vi sinh vật phát triển.

Loại vắc-xin này đã bị một số nước phương Tây chỉ trích vì cho rằng, sự phát triển nhanh chóng sẽ dẫn đến không an toàn và thử nghiệm không đúng cách.

Được biết, Sputnik V sẽ trải qua ba giai đoạn thử nghiệm với sự tham gia của 40.000 tình nguyện viên.