Bạo động ở Ai Cập tiếp tục leo thang

ANTĐ - Các vụ đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh tại Cairo, Ai Cập tiếp tục diễn biến căng thẳng hơn khi các báo cáo về số người thiệt mạng ngày càng tăng.


Một số nhà lập pháp mới được bầu và lãnh tụ các giáo phái tìm cách thương thuyết một giải pháp hòa bình giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh nhưng thất bại. Họ được yêu cầu rời khỏi nơi xảy ra bạo động. Đã có ít nhất 10 người biểu tình chết và hơn 500 người khác bị thương trong ba ngày diễn ra cuộc bạo động.

Phía Mỹ lên tiếng lo lắng về tình trạng bạo lực ở Ai Cập và yêu cầu các chỉ huy quân đội phải tôn trọng nhân quyền khi các lực lượng an ninh sử dụng dùi cui và bình xịt hơi cay trong ngày thứ tư liên tục vào đám đông biểu tình yêu cầu chấm dứt chế độ quân quyền ở nước này.

Tổng thư ký LHQ ông Ban Ki-moon cũng chỉ trích gay gắt việc các lực lượng an ninh sử dụng vũ lực quá mức vào những người biểu tình ở Cairo làm sâu sắc thêm sự rạn nứt giữa những người Ai Cập về vai trò của quân đội và làm xuất hiện màn đêm che phủ cuộc bầu cử tự do đầu tiên của nước này trong nhiều thập kỷ qua, hãng thông tấn Reuters tại châu Phi cho biết.

Các nhà hoạt động nhân quyền gọi cách miêu tả của chính quyền nước này đối với những người biểu tình là bọn hooligan là một chiến dịch bóp méo chính thức dùng để che đậy tình trạng bạo lực của quân đội đồng thời củng cố thêm hình ảnh của mình. Các lực lượng giám sát bầu cử cho biết tình trạng bạo lực và rối ren chính trị đang phủ một bóng đêm lên các cuộc bầu cử quốc hội đang diễn ra ở nước này kể từ sau vụ lật đổ tổng thống Hosni Mubarak.

Các vụ đụng độ bắt đầu xảy ra sáng thứ Sáu tuần trước khi các sĩ quan quân cảnh sử dụng gậy và roi điện để giải tán một đám đông còn sót lại từ những nhóm biểu tình chống sự quản chế của quân đội hồi tháng trước; đáp lại hành động này đã có hàng ngàn người biểu tình đổ ra các đường phố, theo New York Times.

Cuộc chiến diễn ra đúng giữa lúc các cuộc bầu cử vào quốc hội Ai Cập rơi vào trạng thái rối ren mà trước đó tiến triển khá trơn tru bất chấp những vụ đụng độ xảy ra một tuần trước khi cuộc bầu cử bắt đầu.

Nhưng những vụ bạo lực tái diễn lại trong tuần này trong đó ghi nhận việc sử dụng vũ khí nóng chống lại người biểu tình đã góp phần làm xấu đi tuyên bố của quân đội rằng qúa trình chuyển tiếp dân chủ của Ai Cập đang đi đúng hướng.

Cuộc giao tranh này cũng cho thấy một nhân tố gây mất ổn định là tình trạng bạo lực có hệ thống trở nên trầm trọng hơn do sự thiếu trách nhiệm đã làm xói mòn lòng tin của người dân vào hội đồng quân sự cầm quyền có thể đảm bảo sự ổn định và khả năng lãnh đạo đất nước trong thời điểm chuyển giao quyền lực nhạy cảm như hiện nay ở Ai Cập.