[ẢNH] Pháo tự hành bắn đạn hạt nhân của Nga bị mắc kẹt dưới gầm cầu

ANTD.VN -  Xe chở pháo tự hành 2S7M Malka của lục quân Nga vừa bị kẹt lại tại gầm cầu vượt trên đại lộ Stroiteley, thành phố Novosibirsk, miền nam nước Nga. Được biết đây là hệ thống pháo cỡ nòng 203mm và có khả năng bắn đạn hạt nhân.
Pháo tự hành 2S7M Malka là phiên bản nâng cấp của siêu pháo tự hành 2S7 Pion mới được Nga tái biên chế trong thời gian gần đây. Chúng là loại pháo tự hành cỡ nòng lên tới 203mm và có thể bắn đạn hạt nhân.
Quân khu Trung tâm của quân đội Nga đóng tại vùng Kemerovo hiện là đơn vị đầu tiên biên chế loại vũ khí này sau khi chúng được tái sử dụng.
Có thể nói, đây là loại pháo tự hành mạnh nhất thế giới với khả năng phóng những quả đạn nặng 110kg bay xa hơn tới 47,5km.
Điều đáng sợ hơn là chúng có thể bắn đạt hạt nhân chiến thuật với sức hủy diệt lớn.
Việc tái biên chế các loại vũ khí khủng thời Liên Xô nhưng được nâng cấp nằm trong chiến lược tái cân bằng sức mạnh của quân đội Nga trước các đối thủ.
Trước đó Tổng thống Putin đã cho biết, Nga sẽ cho tái biên chế một số loại vũ khí hùng mạnh thời Liên Xô trong đó có loại pháo tự hành cỡ nòng khủng 2S7M Malka này.

Nga vẫn tiếp tục nâng cấp pháo tự hành 2S7M Malka và đưa chúng vào biên chế ở những đơn vị trọng yếu. Mới đây hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội Nga hôm 2/8 cho thấy sự cố giao thông với hệ thống pháo tự hành 2S7M Malka xảy ra ở đại lộ Stroiteley tại thành phố Novosibirsk, miền nam nước Nga.

Xe tải quân sự chuyên dụng chở tổ hợp pháo tự hành 2S7M Malka đã bị mắc kẹt dưới một gầm cầu. Phần nóc pháo tự hành bị vướng vào cầu, khiến xe kéo không thể tiếp tục di chuyển. Sự cố gây ra tình trạng tắc đường kéo dài trên đại lộ Stroiteley.

Các nhân chứng cho biết lực lượng cứu hộ giao thông đã được triển khai để hỗ trợ. Xe tải sau đó được xì bớt lốp để giảm chiều cao và vượt qua gầm cầu an toàn.

Hiện chưa rõ mức độ hư hại với hệ thống 2S7M Malka trong vụ tai nạn nêu trên.
Pháo tự hành 2S7 Pion (2S7M Malka) được phát triển trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi cả Liên Xô và Mỹ đều theo đuổi việc chế tạo pháo tự hành cỡ lớn đủ khả năng bắn đạn pháo hạt nhân chiến thuật.
Dự án pháo tự hành 2S7 Pion với cỡ nòng 203 mm được Liên Xô chấp thuận vào năm 1975.
Tới những cuối những năm 1980, phiên bản hiện đại hóa của siêu pháo này là 2S7M Malka chính thức được Liên Xô đưa vào biên chế. Ước tính đã có hơn một ngàn khẩu pháo này được sản xuất.
Phiên bản này có hiệu quả chiến đấu cao hơn đáng kể so với 2S7 Pion đời đầu với động cơ mạnh hơn, khung xe hiện đại hơn, các thiết bị điện tử mới hơn bao gồm hệ thống chỉ thị mục tiêu điện tử và hệ thống nhận dữ liệu tự động. Pháo tự hành này sử dụng khung gầm bánh xích đặc biệt được phát triển riêng.
Thời gian chuyển từ chế độ hành quân sang chế độ chiến đấu của 2S7M Malka giảm từ 10 xuống 7 phút, cơ số đạn tăng từ 4 viên lên 8 viên, cơ cấu nạp đạn mới cho phép nạp đạn khi nòng pháo ở bất cứ vị trí nào.
Xe được trang bị động cơ diesel 750 mã lực cho xe đạt tốc độ 51km/h, tầm hoạt động 500km. Để đề phòng trường hợp động cơ chính hư hỏng, 2S7M Malka có thêm hệ thống năng lượng phụ trợ công suất 24 mã lực dùng khi cần thiết.
Pháo đạt tốc độ bắn 2,5 viên đạn mỗi phút. Tuy tốc độ bắn có chậm nhưng cũng dễ hiệu bởi pháo có cỡ nòng lớn và trọng lượng viên đạn khá nặng.
2S7M Malka có khả năng bắn nhiều loại đầu đạn gồm đầu đạn nổ phân mảnh, đầu đạn hóa học và đầu đạn hạt nhân.
Loại pháo này sử dụng khung gầm bánh xích đặc biệt được phát triển riêng, nhưng có tận dụng một số linh kiện lấy từ xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 và T-80.
Hệ thống 2S7M Malka có chiều dài thân 10,5m, rộng 3,38m và cao 3m, nặng đến 46 tấn. Kíp pháo thủ lên tới 14 người, trong đó 7 người ngồi trên xe chiến đấu (gắn pháo) và 7 người ngồi trên xe hộ tống – tiếp đạn.
2S7M Malka có thể bắn những viên đạn nổ mảnh nặng đến 110kg, chứa 17,8kg thuốc nổ đi xa đến 37,5km. Với loại đạn tăng tầm nặng 103kg và chứa 13,8kg thuốc nổ, tầm bắn có thể lên đến 47,5km.
Do kích cỡ đạn pháo 203mm khá lớn, nên 2S7M Malka chỉ mang theo được 4 viên đạn, sau đó phải sử dụng thêm các xe tiếp đạn. Nga hiện đã nâng cấp đươc khoảng 50 khẩu trong tổng số 500 khẩu 2S7M Malka đang còn niêm cất.