Vụ tấn công vừa diễn ra của phiến quân nhằm vào căn cứ không quân Hmeimim của Nga đã không gây ra được bất cứ thiệt hại nào, toàn bộ máy bay không người lái cảm tử đều bị hệ thống phòng không Panstsir-S1 tiêu diệt.
Các tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 lại một lần nữa chứng minh được rằng nó là một vũ khí phòng thủ cực kỳ hiệu quả và có tác dụng lớn nhất của quân đội Nga tại Syria.
Dựa trên các mẫu vật thu về, Nga xác định rằng đây là các máy bay không người lái được sửa đổi để mang theo đạn cối nhằm thực hiện cú đánh theo kiểu cảm tử.
Đáng ngạc nhiên hơn là những chiếc UAV này có thể có nguồn gốc xuất xứ từ phương Tây và chúng rất rẻ tiền khi được làm bằng gỗ, nhựa và vật liệu composite tổng hợp.
Giá trị của những chiếc máy bay không người lái tự chế này được ước tính cùng lắm chỉ tới khoảng 1.000 - 2.000 USD, và có thể chế tạo nhanh chóng với số lượng lớn.
Các vụ tập kích liên tục bằng phương tiện này diễn ra trong thời gian gần đây cho thấy phiến quân đối lập đang sở hữu kho UAV tự sát kiểu này với số lượng rất dồi dào.
Đến lúc này thì lại phát sinh một vấn đề mới, đó là để chống lại các máy bay cảm tử bay thấp này thì tổ hợp Pantsir-S1 khó mà dùng pháo, vì dễ làm cho đạn lạc trúng vào quân Nga.
Khi hạ nòng bắn mục tiêu bay thấp, nếu đạn không trúng trực tiếp máy bay địch thì nguy cơ cao sẽ bay vào công trình mặt đất lân cận và gây ra thương vong còn lớn hơn nhiều.
Trong khi đó, nếu dùng tên lửa 57E6 có giá thành lên tới hàng trăm ngàn USD mỗi quả để bắn chặn thì chi phí mà Nga phải hứng chịu sẽ là cực lớn, nhưng chắc rằng họ chẳng còn biện pháp nào khác.
Do vậy với chiến thuật tập kích liên tục và dai dẳng của phiến quân đúng theo hình thức phi đối xứng thì nguy cơ tổ hợp Pantsir-S1 Nga mang sang Syria sớm hết đạn là có thật.
Mặc dù Nga có thể dễ dàng tăng cường kho tên lửa bằng cách cho máy bay vận tải nhanh chóng mang sang, nhưng về lâu về dài thì điều này vẫn rất không ổn.
Việc dùng một quả đạn có giá trị rất cao để đánh chặn mục tiêu rẻ tiền vẫn được nhiều quốc gia khác áp dụng, nhưng đó đều là những nước có tiềm lực tài chính hùng hậu chứ không phải là Nga đang trong tình trạng khó khăn vì vướng lệnh cấm vận.
Cho nên biện pháp phòng thủ tối ưu vẫn phải là trông đợi vào các hệ thống tác chiến điện tử để chiếm quyền kiểm soát và buộc những máy bay không người lái đó tự hạ cánh hoặc tự hủy.
Ngoài ra biệt kích và không quân Nga cũng cần thực hiện các phi vụ tấn công truy kích phiến quân tận hang ổ của chúng mới mong triệt tiêu hoàn toàn hiểm họa trong tương lai.