Tên lửa đạn đạo siêu vượt âm phóng từ trên không Kh-47M2 Kinzhal (Dao găm) là một trong những vũ khí thế hệ mới được Tổng thống Nga Vladimir Putin giới thiệu trong thông điệp liên bang và gây ra một sự chú ý lớn.
Vũ khí này được quảng cáo là có tầm bắn 2.000 km, vận tốc tối đa Mach 10, có khả năng mang đầu đạn lớn và thực hiện đường bay phức tạp nhằm đánh lừa hệ thống phòng không đối phương.
Hiện tại phương tiện duy nhất mang được tên lửa Dao găm chỉ có tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31K được sửa đổi gia cố khung thân từ chiếc MiG-31BM.
Nguyên nhân là bởi điều kiện phóng giúp Kh-47M2 đạt thông số kỹ chiến thuật tối ưu là vô cùng phức tạp và hiện chỉ có duy nhất chiếc chiến đấu cơ này đáp ứng nổi.
Kh-47M2 Kinzhal thực chất chính là phiên bản phóng từ trên không của tên lửa đạn đạo chiến thuật 9M723 thuộc tổ hợp Iskander-M, khi phóng từ mặt đất thì đạn chỉ đạt tầm bắn 500 km và tốc độ tối đa Mach 7,5.
Khi phóng từ trên không, MiG-31K phải duy trì tốc độ Mach 2 và ở độ cao 20 km rồi mới phóng đạn. Khi đó Kh-47M2 sẽ tận dụng động năng và thế năng có sẵn để leo cao rồi thực hiện cú bổ nhào xuống mục tiêu để đẩy tầm xa và vận tốc tới mức như công bố.
Việc tích hợp Kh-47M2 Kinzhal cho các loại máy bay ném bom siêu âm tầm xa đã từng được nhắc tới và mới đây hãng tin TASS cho biết điều này sẽ sớm thành hiện thực.
Đối tượng đầu tiên ngoài MiG-31K được thử nghiệm khả năng mang "Dao găm" chính là máy bay ném bom siêu âm của Hải quân Tu-22M3, khoang vũ khí trong thân và giá treo ngoài của nó sẽ mang được tới vài quả Kh-47M2 thay vì chỉ 1 quả duy nhất như MiG-31K.
Bên cạnh đó, việc tích hợp "Dao găm" cho máy bay ném bom siêu âm của hải quân Tu-22M3 được cho là nhằm thực hiện tuyên bố của người Nga khi thông báo Kh-47M2 Kinzhal sẽ sớm có thêm chức năng là "sát thủ tàu sân bay" thay vì chỉ tấn công mặt đất như hiện tại.
Để làm được điều này, tức là trao thêm cho tên lửa chức năng tấn công mục tiêu di động thì Nga sẽ phải sớm phát triển một loại đầu dò quang điện cho đạn thay vì chỉ có duy nhất bộ hiệu chỉnh vệ tinh như hiện nay.
Tuy nhiên nếu như viễn cảnh trên xảy ra, tức là Hải quân Nga sẽ có bộ đôi "sát thủ tàu sân bay" Tu-22M3 mang Kh-47M2 Kinzhal thì có đủ gây kinh hoàng cho Hải quân Mỹ.
Điều này theo đánh giá là rất khó khi chưa có gì bảo đảm việc Kh-47M2 Kinzhal sẽ đánh trúng được mục tiêu di động cho dù đã có thêm đầu dò quang điện.
Việc máy bay ném bom Tu-22M3 bắt được mục tiêu từ xa cả ngàn km cũng cực kỳ khó khăn. Ngoài ra Kinzhal cũng không có khả năng bay thấp bám biển để lẩn tránh radar như tên lửa đối hạm thực thụ.
Với quỹ đạo leo cao rồi bổ nhào, quả tên lửa này chắc chắn sẽ bị hệ thống radar Aegis tối tân trên các khu trục hạm Arleigh Burke và tuần dương hạm Ticonderoga thuộc biên đội hộ tống phát hiện từ rất xa để đánh chặn.
Hơn nữa, máy bay ném bom Tu-22M3 chỉ có khả năng đạt tới vận tốc tối đa Mach 1,8 và trần bay vỏn vẹn 13,3 km, ngoài ra nó chỉ duy trì được hai thông số này trong thời gian ngắn.
Do vậy khi phóng đi từ oanh tạc cơ hải quân Tu-22M3 Backfire, dự đoán tên lửa Kh-47M2 Kinzhal chỉ có thể đạt tới cự ly khoảng trên 1.000 km và vận tốc lớn nhất mà nó chạm vào là khoảng Mach 8,5 - Mach 9 mà thôi.
Trước mắt người Nga vẫn còn rất nhiều việc phải làm nếu như họ muốn bộ đôi Tu-22M3 Backfire kết hợp cùng Kh-47M2 Kinzhal thực sự trở thành phương tiện gây áp lực lên người Mỹ.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà giới chức quân sự Mỹ cho rằng các vũ khí mới được Nga giới thiệu chỉ là phóng đại tính năng và thuộc về một khoảng thời gian rất dài sau này.