"Đại dịch Covid-19 là một nỗi đau thương cho cả đất nước. Cùng nhau, chúng ta sẽ vượt qua nỗi đau này", Thị trưởng Rome Virginia Raggi phát biểu bên ngoài tòa thị chính của thủ đô Italy hôm 31-3, sau một phút mặc niệm vào buổi trưa.
Thành phố Vatican cũng treo cờ rủ nhằm thể hiện sự đoàn kết với Italy và chia buồn cùng nỗi đau tang thương của đất nước này.
Lễ tưởng niệm đánh dấu một tháng kể từ khi Italy ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên gần thành phố Milan và chứng kiến số người chết liên tục tăng vọt.
Quốc gia 60 triệu dân chiếm gần 1/3 số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu, tương đương hơn 11.500 người, cùng gần 102.000 ca nhiễm, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ.
Chính phủ Italy đã ban lệnh phong tỏa chưa từng có từ ba tuần trước nhằm ngăn Covid-19 lây lan, sau đó quyết định kéo dài biện pháp này ít nhất tới giữa tháng 4.
Hầu hết doanh nghiệp phải đóng cửa, khiến nền kinh tế Italy có nguy cơ rơi vào suy thoái nặng nề nhất trong nhiều thập kỷ.
Các cửa tiệm và nhà hàng dự kiến sẽ ngừng hoạt động ít nhất đến tháng 5.
Không quan chức nào dám đưa ra dự đoán về thời điểm cuộc sống của người dân có thể trở lại bình thường.
"Sự hy sinh của chúng ta khi được yêu cầu ở nhà rất cần thiết để bảo vệ tất cả. Chúng ta phải thực hiện điều đó vì những người đã ra đi, cũng như những người đánh cược mạng sống của họ bằng cách làm việc vì chúng ta. Đó là các y bác sĩ và những người làm việc trong siêu thị", bà Raggi nói.
Trong khi đó, bác sĩ Massimo Galli, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Luigi Sacco, Milan, bày tỏ hy vọng vào tương lai.
"Chúng tôi nhận thấy đại dịch đang suy yếu dần", ông nói. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng dự đoán Italy đang tiến đến đỉnh dịch.
Covid-19 xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 12-2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc, tuy nhiên chính quyền sở tại đã cố tình giấu dịch trong 6 tuần lễ liền khiến dịch lây lan.
Hiện đã có 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đã bị nhiễm Covid-19 với hơn 819.000 người nhiễm và gần 40.000 người tử vong.