[ẢNH] Hàng nghìn tay súng IS bất ngờ tấn công Taliban ở miền Đông Afghanistan

ANTD.VN - Tại miền Đông Afghanistan, những cuộc đụng độ dữ dội đã nổ ra giữa các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giao tự xưng (IS) và phong trào Taliban.

Sau khi gây ra một loạt các vụ tấn công đẫm máu tại sân bay quốc tế Kabul, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lại tiếp tục giao tranh trực diện với lực lượng Taliban tại địa điểm ở phía Đông đất nước.

Các nguồn tin từ Afghanistan cho biết, hàng nghìn phần tử khủng bố IS có thể đã nắm quyền kiểm soát một khu vực rộng lớn, những đối tượng này bị cho là xâm nhập từ lãnh thổ của nước láng giềng Pakistan.

Có ý kiến cho rằng tại thời điểm này, Taliban không thể kiềm chế cuộc tấn công của các tay súng khủng bố IS bởi họ còn quá nhiều việc phải giải quyết, một trong số đó là chiến sự tại hẻm núi Panjshir với quân kháng chiến Afghanistan.

Cứu cánh của Taliban trong cuộc chiến chống IS bất ngờ thay lại chính là Washington, khi Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh trấn áp IS để đáp trả 6 vụ đánh bom ở Kabul khiến 18 binh sĩ nước này thiệt mạng.

Theo giới phân tích, IS có ý định sẽ chiếm một phần lãnh thổ Afghanistan làm căn cứ sau khi liên quân quốc tế rời đi, vì lực lượng Taliban không đủ sức răn đe những kẻ khủng bố và quân đội Afghanistan không còn tồn tại.

Hiện chưa rõ binh lực của IS gồm bao nhiêu tay súng, được trang bị những loại vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự gì, cho nên tương đối khó khăn để đưa ra cái nhìn chính xác về sức mạnh của nhóm vũ trang này.

Nhưng trên hết, đất nước Afghanistan thời gian tới có thể sẽ bị chia làm 3 khu vực kiểm soát: phần trong tay Taliban, phần do lực lượng kháng chiến làm chủ và địa điểm còn lại nằm dưới ách cai trị của IS.

Trong lúc này, giới truyền thông đã biết về việc người đứng đầu lực lượng kháng chiến ở Panjshir, ông Ahmad Massoud Jr đã kêu gọi Nga giúp đỡ, có thể là làm trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán giữa Taliban và Liên minh phương Bắc.

Tuy vậy các chuyên gia cũng không loại trừ khả năng lực lượng kháng chiến sẽ yêu cầu Nga hỗ trợ vũ khí và hậu cần nhằm chống trả lại phong trào Taliban và khôi phục quyền kiểm soát đất nước.

Hiện phía Nga chưa đưa ra bình luận nào về lời kêu gọi này, nhưng với yêu cầu trở thành một bên trung gian, Moskva có thể sẽ chấp thuận, bất chấp thực tế là Nga chưa muốn tiếp xúc trực tiếp với đại diện của Taliban.

Trang Reporter đánh giá: "Nga đã thiết lập khá thành công vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán ở Libya, Syria và Armenia, do vậy lực lượng kháng chiến tin rằng ở Afghanistan, Nga có thể tác động đáng kể đến Taliban".

"Có lẽ lực lượng kháng chiến Afghanistan hiểu rằng Taliban vẫn đông hơn họ, và do đó cách tiếp cận hợp lý nhất sẽ là liên quan đến ngoại giao".

Mặt khác, trước đó ít lâu báo chí đã biết về việc nước láng giềng Tajikistan - đồng minh của Nga trong Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thế - CSTO đã quyết định cung cấp hỗ trợ quân sự cho lực lượng kháng chiến Afghanistan.

Trước tình hình này, không loại trừ khả năng phía Nga cũng sẽ thực hiện những bước tương tự, nhất là khi Moskva đang tỏ ra rất đề phòng Taliban và đã tăng cường sức mạnh đáng kể cho căn cứ quân sự số 201 trên đất Tajikistan.

Dự kiến những gì diễn ra tại mảnh đất Afghanistan nóng bỏng này trong thời gian tới sẽ còn rất phức tạp và chưa thể đoán trước bất cứ điều gì.