[ẢNH] F-35B Mỹ cất hạ cánh thành công trên tàu IS Izumo Nhật Bản, Trung Quốc thêm lo lắng?

ANTD.VN - Tiêm kích tàng hình F-35B Mỹ cất hạ cánh thành công trên tàu JS Izumo, đánh dấu lần đầu tiêm kích vận hành trên chiến hạm Nhật Bản kể từ sau Thế chiến thứ II. 

Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm qua (5/10) thông báo, tiêm kích tàng hình F-35B Thủy quân lục chiến Mỹ đã lần đầu đáp xuống tàu khu trực mang trực thăng JS Izumo trong cuộc thử nghiệm diễn ra ngoài khơi đảo Shikoku.

Đây là bước tiếp theo trong kế hoạch hoán cải khu trục hạm trực thăng lớp Izumo của Nhật Bản thành tàu sân bay hoàn chỉnh có khả năng vận hành tiêm kích cánh bằng.

Khi hoàn thiện, năng lực tác chiến của tàu sân bay trang bị máy bay tàng hình này thậm chí vượt cả tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.
Hình ảnh do Bộ Quốc phòng Mỹ và Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản công bố cho thấy, chiến đấu cơ tàng hình F-35B thuộc Phi đoàn tiêm kích thủy quân lục chiến số 242, đáp thẳng đứng xuống boong tàu JS Izumo, sau đó cất cánh và trở lại biên đội với một phi cơ khác cùng đơn vị.
Cuộc thử nghiệm cho thấy tiêm kích F-35B có thể vận hành trên tàu IS Izumo, nhưng chiến hạm này vẫn phải trải qua nhiều đợt chỉnh sửa và nâng cấp sâu rộng, để có thể duy trì hoạt động dài ngày cho các chiến đấu cơ tàng hình này.
Sàn đáp đã được phủ lớp vật liệu chống nhiệt mới, chịu được sức nóng từ luồng xả động cơ tiêm kích F-35B khi hạ cánh thẳng đứng, cùng với đó là thay đổi về hệ thống đèn và vạch dẫn đường trên mặt boong.

Mặt boong tàu IS Izumo cần được nới rộng để tăng quãng đường chạy đà, giúp phi cơ mang được nhiều vũ khí và nhiên liệu hơn, trong khi khoang chứa máy bay trong thân cũng cần không gian bố trí nhiên liệu và vũ khí cho F-35B (Hình ảnh thủy thủ Mỹ và Nhật Bản mừng rỡ khi cuộc thử nghiệm thành công).

Bộ Quốc phòng Nhật Bản triển khai dự án hoán cải hai tàu chiến lớp Izumo vào năm 2019, với tổng chi phí chạm ngưỡng 4 tỷ USD, tương đương 5% ngân sách quốc phòng nước này khi đó.
Nhật Bản dự kiến hoán cải tàu JS Kaga sau khi hoàn tất quá trình nâng cấp và thử nghiệm tàu JS Izumo vào năm 2026, trùng khớp với kế hoạch mua 42 tiêm kích F-35B có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng, bên cạnh 105 chiếc F-35A cất hạ cánh thông thường.
Chiến hạm lớp Izumo được xếp vào nhóm khu trục hạm chở trực thăng theo phân loại của Nhật Bản. Tuy vậy giới quan sát cho rằng, đây thực ra là tàu đổ bộ tấn công mang trực thăng.
Tàu chiến này có chiều dài 248 m, rộng 38 m, mớn nước 7,5 m, lượng choán nước đầy tải 27.000 tấn.
Thiết kế của tàu có boong tàu đủ rộng để cho 5 chiếc trực thăng hoạt động cùng lúc. Bình thường tàu chỉ mang theo 7 trực thăng chống ngầm và 2 trực thăng cứu hộ.
Giới chức Tokyo tiết lộ, tàu có thể mang các trực thăng tác chiến chống ngầm SH-60K Seahawk và trực thăng MCH-101 rà phá thủy lôi cải tiến, cũng như các dòng trực thăng khác.
Tàu chiến lớp Izumo có sàn đáp kéo dài dọc thân, được trang bị thang nâng phi cơ, thượng tầng dạng tháp và nhà chứa máy bay cỡ lớn trong thân, không khác gì các tàu sân bay thực thụ của Mỹ.
Tàu được trang bị hệ thống radar quét mạng pha điện tử (AESA) băng tần kép OPS-50 với khả năng nhận dạng và phân biệt mục tiêu rất cao, cùng hệ thống chiến tranh điện tử tinh vi.
Chiến hạm này còn được thiết kế để trong trường hợp cần huy động sẽ mang theo tối đa 14 trực thăng hạng nặng, hoặc 28 trực thăng hạng trung và hạng nhẹ.

Trên tàu cũng được vũ trang hạng nặng với nhiều chủng loại vũ khí khác nhau cho mục đích phòng không và chống hạm.

Tàu được lắp 2 hệ thống phòng thủ tầm cực gần Mk15 Phalanx 20 mm, 2 cụm phóng tên lửa phòng không SeaRam để tự vệ.

Ngoài ra còn có bệ phóng thẳng đứng Mk 41 tiêu chuẩn của Mỹ, có thể triển khai đa dạng các loại đạn tên lửa tấn công lẫn phòng thủ khác nhau.

Tàu được lắp hệ thống động lực với tổng công suất 112.000 mã lực, tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ. Mỗi tàu có thủy thủ đoàn 970 người.
Quan chức quốc phòng Nhật hồi năm 2019 khẳng định nước này không có ý định biến các chiến hạm lớp Izumo thành tàu sân bay sở hữu các không đoàn lớn theo kiểu Mỹ, mà các tiêm kích F-35B vẫn chủ yếu đóng quân trên bộ và không xuất hiện thường trực trên tàu sân bay.

Tuy vậy việc hoán cải các tàu khu trục trực thăng thành tàu sân bay đúng nghĩa vẫn khiến Trung Quốc đặc biệt lo ngại bởi sức mạnh tác chiến vượt bậc của chúng.

Kế hoạch cải tiến thành tàu sân bay tiến hành trong bối cảnh Tokyo lo ngại Bắc Kinh nhiều lần điều tiêm kích và oanh tạc cơ bay qua vùng biển phía nam Nhật Bản, cũng như vấn đề tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Trung Quốc có hàng loạt căn cứ không quân lớn ở gần hai khu vực này và đang đẩy mạnh xây dựng các nhóm tác chiến tàu sân bay.
Trong khi đó, Nhật Bản chỉ sở hữu một căn cứ không quân kiêm sân bay dân sự trên đảo Okinawa, không có tàu sân bay thực thụ nào.