[ẢNH] Đại sứ Ukraine tại Đức muốn sớm gia nhập NATO

ANTD.VN - Đại sứ Ukraine tại Đức một lần nữa yêu cầu NATO cho phép nước này gia nhập liên minh quân sự, qua đó được cung cấp những vũ khí hiện đại, đồng thời cảnh báo trong trường hợp bị từ chối sẽ lấy lại vị thế cường quốc hạt nhân.

Đại sứ Ukraine tại Đức Andriy Melnyk - người vẫn nổi tiếng cứng rắn, trong bài phát biển trên đài phát thanh Đức đã đưa ra tuyên bố rất đáng chú ý.

Ông Melnyk đã cảnh báo phương Tây về việc Ukraine sẽ khôi phục vị thế cường quốc hạt nhân nếu nước này không được chấp thuận gia nhập Liên minh quân sự NATO khẩn cấp.

Theo Đại sứ Melnyk, cách duy nhất để Ukraine thoát khỏi tình huống đối diện nguy cơ lớn từ một cuộc xung đột vũ trang chỉ có thể là gia nhập NATO, và điều này lẽ ra phải được thực hiện từ năm 2014.

Đồng thời vị quan chức ngoại giao Ukraine còn kêu gọi Đức từ bỏ các chính sách trung lập của mình và cung cấp hỗ trợ cho Kiev "một cách thực sự" chứ không phải chỉ "thể hiện tình đoàn kết".

Đáng chú ý hơn, ông Melnyk cảnh báo rằng nếu Ukraine không được chấp nhận gia nhập liên minh quân sự NATO thì để tự bảo vệ mình, Kiev sẽ tính đến việc trở lại vị thế cường quốc hạt nhân.

"Hoặc chấp thuận để Ukraine trở thành thành viên NATO hoặc khôi phục lại trạng thái cường quốc hạt nhân", Đại sứ Ukraine tại Đức nêu quan điểm.

Theo đánh giá từ nhiều chuyên gia quân sự, Ukraine với vị thế của một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trong quá khứ, đủ khả năng khôi phục loại vũ khí nguy hiểm này trong thời gian ngắn nếu cần.

Những tài liệu bí mật, cách thức chế tạo vũ khí hạt nhân là di sản từ thời Liên Xô mà chắc chắn các nhà khoa học Ukraine vẫn nắm vững, thời điểm đầu thập niên 1990 họ chỉ bàn giao cho Nga những đầu đạn thành phẩm mà thôi.

Trước tình hình trên, truyền thông Nga cho rằng khi tuyên bố lấy lại vị thế cường quốc hạt nhân cho Ukraine, ông Melnyk không tính đến một điều đó là chưa ai cho phép Kiev phát triển vũ khí hạt nhân, kể cả Mỹ.

Thiếu sự trợ giúp về tiền bạc sẽ gây ra khó khăn đáng kể cho Kiev trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân, chưa kể những rắc rối sau đó nhiều khả năng làm sụp đổ nền kinh tế.

Khi một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, rõ ràng phương Tây cũng phải đề phòng viễn cảnh xấu.

Thế giới hiện nay không thiếu các "cường quốc hạt nhân" khác đang xung đột với những nước láng giềng. Vì vậy những lời cảnh báo của Đại sứ Ukraine là không đủ sức thuyết phục, báo chí Nga khẳng định.

Giới truyền thông Nga còn lưu ý về việc ông Melnyk trong quá khứ đã đưa ra một số tuyên bố không hoàn toàn phù hợp.

Vào tháng 3 năm nay, ông ta yêu cầu Đức giúp đỡ trong việc "lấy lại Crimea", vì người Đức bị cho là có một "khoản nợ lịch sử" đối với Ukraine khi hai lần chiếm đóng bán đảo này.

Tuần trước, ông Melnyk cũng yêu cầu Berlin trì hoãn dự án Nord Stream 2 và hỗ trợ Ukraine bằng cách hiện đại hóa lực lượng vũ trang cũng như tăng cường khả năng phòng thủ. Bên cạnh đó, Đức nên giúp Ukraine gia nhập NATO.