[ẢNH] 'Chiến thuật bỏ chạy' giúp tiêm kích J-20 Trung Quốc chiến thắng ‘chim ăn thịt’ F-22 Mỹ?

ANTD.VN - Tiêm kích tàng hình thế hệ năm J-20 của Trung Quốc mặc dù thua kém rất nhiều so với F-22 nhưng nếu áp dụng chiến thuật hợp lý vẫn có thể mang về kết quả có lợi.

Kịch bản giao chiến giữa hai chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ năm tối tân nhất của Trung Quốc và Mỹ là J-20 và F-22 rất được các chuyên gia quân sự thế giới quan tâm.

Nhiều nhà phân tích khẳng định F-22 Raptor và F-35 Lightning II do Mỹ chế tạo có nhiều tính năng kỹ chiến thuật vượt xa Chengdu J-20 của Trung Quốc và đủ sức đánh bại chúng trong các cuộc đấu tay đôi.

Nhưng rất có thể tiêm kích Trung Quốc được giao nhiệm vụ khác, không tập trung vào việc giành ưu thế trên không. Nhận định này được tác giả Smriti Chaudhary trình bày trên tạp chí Eurasian Times của Ấn Độ.

Chengdu J-20 được coi là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, đồng thời là tiêm kích hàng đầu trong biên chế Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF).

Khả năng tác chiến của J-20 từng được tiết lộ bởi nhà thiết kế chính của chiếc chiến đấu cơ tàng hình thuộc thế hệ thứ năm này - công trình sư Yang Wei.

Theo ông Yang, J-20 là sản phẩm mang tính cách mạng của Trung Quốc ưu điểm nằm ở tầm hoạt động xa, tốc độ phản ứng nhanh nhờ tích hợp máy tính tối tân, hỏa lực mạnh. Phương tiện trên tỏ ra rất lý tưởng để tiêu diệt máy bay tiếp dầu và máy bay trinh sát của Mỹ.

Thậm chí theo ông Justin Bronk - một nhà phân tích tại London, J-20 có khả năng tàng hình ấn tượng nhất trong số các chiến đấu cơ hiện đang được sản xuất hoặc thử nghiệm.

J-20 có thể mang lượng nhiên liệu lớn bên trong thân. Ngoài ra nó còn có thể mang theo tới 4 thùng dầu hòa nhập khí động trên các giá treo bên ngoài để mở rộng phạm vi tác chiến.

Nhưng dựa trên cơ sở nào mà ông Bronk kết luận rằng J-20 có khả năng tàng hình lớn nhất trong số các máy bay chiến đấu thế hệ năm trên thế giới là một câu hỏi chưa được giải đáp.

Khi phân loại tiêm kích Chengdu J-20 của Trung Quốc, một số chuyên gia đánh giá chiếc phi cơ thực chất thuộc thế hệ 4,5, lưu ý rằng đặc điểm của nó chưa đạt đến chuẩn thế hệ thứ năm.

Nhưng bên cạnh đó, ông Bronk tin rằng do trọng lượng nặng và khả năng cơ động thấp, J-20 không thể chống chọi hiệu quả với F-22 Raptor rất linh hoạt trong “bầu trời mở”, nhưng lại có thể đánh bại nó bằng một chiến thuật đặc biệt.

Máy bay chiến đấu tàng hình Trung Quốc sẽ chẳng có cơ hội khi tác chiến trong không gian hạn chế của khu vực hoạt động ở châu Âu, nhưng PLAAF chắc chắn không bao giờ xuất hiện ở đó.

J-20 có lẽ chỉ được Trung Quốc điều đi tham chiến ở những vùng biển thuộc Thái Bình Dương, nơi chiếc tiêm kích này có điều kiện thể hiện lợi thế về phạm vi bay.

Nếu F-22 bị giới hạn hoạt động trong bán kính tác chiến khoảng 800 km, thì tiêm kích Trung Quốc dễ dàng vươn tới cự ly 1.100 km, thậm chí lớn hơn.

Bên cạnh đó, J-20 sẽ cố tránh đối đầu trực diện với F-22 Raptor bằng mọi giá, mục tiêu chính của nó sẽ là tiêu diệt các máy bay tiếp dầu của đối phương.

Khi đó F-22 sẽ hết nhiên liệu, chúng không thể quay trở lại căn cứ và đơn giản là rơi xuống nước, trong khi J-20 vẫn có đủ dầu để bay về, tức là đã giành chiến thắng một cách gián tiếp thông qua “chiến thuật bỏ chạy”.