[ẢNH] ‘Bí kíp tàng hình’ của Su-75 Checkmate đã được nhận diện

ANTD.VN - Tiêm kích hạng nhẹ Su-75 Checkmate của Nga theo đánh giá có khả năng tàng hình rất cao, đặc điểm này có thể nhìn thấy từ thiết kế phía trước và nhất là ở phần đuôi.

Chiến đấu cơ tàng hình hạng nhẹ với cấu hình một động cơ mà nhà sản xuất Sukhoi gọi là Su-75 Checkmate đã chính thức được giới thiệu tại Triển lãm Hàng không Vũ trụ quốc tế MAKS 2021 diễn ra ở sân bay Ramenskoye, Moskva, Nga.

Hình ảnh của chiếc tiêm kích thực chất đã “bị rò rỉ” trước khi ra mắt chính thức, Sukhoi hoặc tập đoàn mẹ là Rostec nhiều khả năng đã khuyến khích việc làm này như một phần của chiến dịch tiếp thị.

Tạp chí Forbes nhận định, nói chung chiếc máy bay chiến đấu này được xác định chủ yếu dành cho xuất khẩu, cho nên chiến dịch quảng cáo đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thành công của nó.

“Rò rỉ thông tin” đồng thời là "nguyên liệu" cho các nhà phân tích. Bất kể máy bay được trưng bày tại MAKS 2021 là mô hình hay nguyên mẫu trình diễn, các yếu tố thiết kế đã tiết lộ nhiều điều.

Sukhoi đang phát triển một loại tiêm kích nhỏ, cơ động cao và có khả năng tàng hình, trở ngại lớn nhất ngoài chi phí phát triển sẽ là lượng nhiên liệu bên trong bị hạn chế, do vậy bán kính tác chiến ngắn đi đáng kể.

Bất chấp yếu tố trên, các chi tiết trên Su-75 Checkmate vẫn rất tinh tế. Đầu tiên là cửa hút khí tại thân trước thấp hơn với "vết cắt" đặc trưng cho thấy các kỹ sư của Sukhoi đã sử dụng một bộ hút gió siêu thanh, không có bộ chuyển hướng.

Cách làm trên nhằm che giấu phần nào bộ phận phản xạ sóng radar mạnh nhất của máy bay chiến đấu là turbine động cơ. Chỉ riêng lối vào luồng không khí đã "giải thích" phần lớn khả năng tàng hình của Checkmate.

Cặp cánh đuôi này giúp "che giấu" máy bay trước radar đối phương, trong khi vẫn duy trì khả năng cơ động tốt.

Kiểu cánh đuôi đứng truyền thống sẽ phản xạ sóng radar ở những góc nhất định.

Đuôi hình chữ V về cơ bản đảm bảo cả hai yếu tố điều hướng và giảm diện tích phản xạ radar của máy bay.

Đuôi đứng hình chữ V của Checkmate giúp nó mang khả năng tàng hình cao hơn MiG-29, nhưng không phải không có vấn đề về điều khiển. Thiết kế trên đòi hỏi chiếc tiêm kích phải có hệ thống điều khiển bay phức tạp.

Khi các kỹ sư tại Northrop phát triển YF-23 - loại tiêm kích lớn, kỳ lạ nhưng đã thua YF-22 trong cuộc thi tiêm kích chiến thuật tiên tiến của Không quân Mỹ - họ phải phát minh ra một loại động cơ mới để lái đuôi chữ V của máy bay.

Sukhoi có lẽ nhận thấy những lợi ích tiềm năng của chiếc đuôi hình chữ V sẽ bù đắp cho thiếu sót của nó. Tức là khả năng tàng hình càng cao lại càng khó điều khiển hơn, nhưng điều này sẽ được hạn chế bởi máy tính kiểm soát bay tối tân.