Ảm đạm bức tranh kinh tế

ANTĐ - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phác hoạ bức tranh triển vọng kinh tế thế giới khá ảm đạm khi hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như của các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới.

Các quan chức IMF bày tỏ lo ngại về nền kinh tế thế giới tại buổi lễ công bố báo cáo ở Tokyo ngày 9-10

Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” công bố tại Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) ngày 9-10, IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay cũng như năm 2013. Tháng 7 vừa qua, dựa vào mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm, IMF đã dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng  3,5% trong năm 2012 và 3,9% năm 2013 nhưng nay định chế tài chính này hạ dự báo xuống lần lượt  còn 3,3% và 3,6%.

Các trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... đều phải vật lộn với sự hồi phục mong manh và đây cũng chính là khu vực có tốc độ tăng trưởng thấp nhất thế giới. Theo dự báo của IMF, tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển nhất thế giới, bao gồm Mỹ và Đức, sẽ giảm xuống còn 1,3% vào năm 2013.

Khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới là các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á cũng giảm sút mức tăng trưởng năm nay xuống còn 6,7%, so với dự báo 7,1% hồi tháng 7 vừa qua của IMF. Tăng trưởng năm 2013 của khu vực được xem là động lực giúp phục hồi kinh tế thế giới này nhích lên mức 7,2% nhưng vẫn thấp hơn mức 7,5% đưa ra trong dự báo vào tháng 7.

“Quán quân tăng trưởng” của kinh tế toàn cầu là Trung Quốc  cũng đang “hạ cánh” khá nhanh với mức dự báo 7,8% trong năm 2012, thấp hơn so với dự báo 8% hồi tháng 7. Những biện pháp nới lỏng kinh tế có thể giúp Trung Quốc tăng 8,2% vào năm 2013 nhưng còn xa mới bằng tốc độ tăng trưởng luôn duy trì ở mức 2 con số suốt hàng chục năm qua.

Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới việc hạ thấp mức tăng trưởng kinh tế thế giới, theo IMF, là cuộc khủng hoảng nợ công của Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) sẽ tồi tệ hơn dự báo và các chính sách tài chính bị bế tắc tại chính trường Mỹ trong năm bầu cử 2012. Vì thế, IMF đã chỉ rõ những chính sách đối phó không hiệu quả, đồng thời kêu gọi Mỹ và châu Âu đẩy mạnh nỗ lực đối phó với các thách thức vốn tác động xấu tới kinh tế toàn cầu. 

Phát biểu trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7), Bộ trưởng Tài chính Canada Jim Flaherty cho rằng, cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu đang là một hiểm họa đe dọa nền kinh tế toàn cầu bất chấp nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách. Theo ông, tình hình tại châu Âu không được cải thiện, thậm chí còn tồi tệ hơn, tất cả là do chính phủ các nước thành viên hành động thiếu quyết đoán, kịp thời. 

Trong khi đó, theo IMF, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu cùng chính sách tăng thuế và cắt giảm chi tiêu công tới đây tại Mỹ đang là những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa đà phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tác động tiêu cực đến đà tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển. Định chế tài chính đa phương này khuyến cáo các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cần chuẩn bị tốt để đối phó với các cú sốc tài chính từ bên ngoài.