Tộc người bí ẩn nhất Việt Nam:

Ám ảnh nguy cơ tuyệt chủng

ANTĐ - Những chính sách quan tâm đặc biệt của Nhà nước, sự giúp đỡ của lực lượng bộ đội biên phòng đang dần mang đến cuộc sống no đủ cho tộc người Rục. Song việc bảo tồn giống nòi cũng như những giá trị văn hóa của một trong 10 bộ tộc bí ẩn nhất thế giới này vẫn còn nhiều khó khăn.

Sau thời gian dài ăn hang ở lỗ, đa số người Rục giờ đã định canh, định cư…

Hành trình hòa nhập cộng đồng

Năm 1959, tộc người Rục sống ở trong hang đá giữa rừng sâu heo hút huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình được bộ đội biên phòng nơi đây phát hiện. Sau nhiều tháng thuyết phục, 11 hộ và 34 người Rục đầu tiên rời hang đá về thung lũng Rục Làn (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa) dựng lều và bắt đầu làm quen với làm rẫy, trồng ngô, chăn nuôi... Còn ở Hà Tĩnh, phải tới những năm 1990, nhóm người Rục ở bản Rào Treo (xã Hương Liên, huyện Hương Khê) mới được bộ đội biên phòng phát hiện, vận động và lập bản sống định cư. Từ đây, tộc người Rục được biết đến như “người em út” trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Thiếu tá Dương Thanh Tịnh, Đội trưởng Đội công tác Rào Tre - Đồn Biên phòng Bản Giàng, kể lại: “Khoảng đầu năm 1992, một nhóm bộ đội biên phòng trong lúc tuần tra trong rừng tình cờ bắt gặp nhóm người này, tận mắt thấy cảnh ăn hang ở lỗ đã thuyết phục họ ra lập bản sống định cư, hòa nhập cộng đồng”. Thói quen quay lại ở rừng, ở hang luôn thường trực trong tâm thức người Rục. Không ít trường hợp, dù được bộ đội biên phòng dựng nhà, dạy sản xuất chăn nuôi, song vẫn tìm cách trốn vào rừng sinh sống. Hàng tháng, nhóm người này vẫn về bản lấy gạo được cấp phát miễn phí, rồi lại vào rừng săn bắn, hái lượm. Tuy nhiên sau hơn nửa thập kỷ được phát hiện, đa phần người Rục đã tập trung định cư tại các bản và ngày một hòa nhập với các cộng đồng cùng nơi sinh sống.

Đội công tác biên phòng Rào Tre “khai sinh” cho 135 người Rục tại bản

Khai sinh, khai hóa

Theo lời kể của Đội trưởng Dương Thanh Tịnh, khi được quy tụ về bản Rào Tre năm 1992, cả nhóm người Rục không ai có tên, cũng không biết tuổi của mình bao nhiêu. “Họ đã quen sống theo bản năng tự nhiên như con chim trên trời, con cọp trong rừng. Chúng tôi sau đó đã đặt tên cho từng người, rồi đứng ra giúp họ làm chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, sổ y tế hộ nghèo… để hưởng những chế độ công dân như những đồng bào khác. Thậm chí chúng tôi còn phải giữ gìn các giấy tờ giúp họ, bởi nếu phát về họ cũng lại vứt cho trẻ con chơi, rồi thất lạc”, anh Tịnh nói.

Theo người Đội trưởng đội biên phòng gắn bó hơn 10 năm với đồng bào Rục bản Rào Tre thì cái khó nhất là giúp đồng bào nâng cao nhận thức. Anh Tịnh kể, những ngày đầu dạy người Rục trồng lúa, họ thậm chí chẳng ý thức được trồng lúa là gì. Chỉ khi đến vụ thu hoạch, biết lúa gạo có thể… ăn được mới bắt đầu duy trì hoạt động nông nghiệp này. Việc vận động người dân đưa con tới trường (học miễn phí) gặp nhiều khó khăn. Hay như chuyện chăm sóc sức khỏe với người Rục nơi đây cũng không hề đơn giản. Đội trưởng Dương Thanh Tịnh kể: “Ngày trước, mỗi khi ốm đau dân bản chỉ tin vào cúng lễ và tìm đến thầy cúng Hồ Phúc. Cách đây 2 năm, thầy cúng này bị sốt rét nguy kịch, sau khi được quân dân y cứu chữa lành bệnh vì cảm phục đã tuyên bố bỏ nghề thầy cúng và khuyên dân bản nghe theo bộ đội biên phòng. Từ đó việc chữa trị cho đồng bào người Rục gặp nhiều thuận lợi”. Nỗi lo sức khỏe cũng phần nào giảm nhẹ khi Trạm Quân dân y được xây dựng ngay tại bản. Ông Hồ Kính - Trưởng bản Rào Tre, tâm sự: “Nếu không có sự giúp đỡ của Nhà nước, của bộ đội biên phòng thì có lẽ người Rục bản Rào Tre sẽ mãi chìm trong lạc hậu, nghèo đói”. 

… song vẫn canh cánh nỗi lo tộc người này tuyệt chủng do quan hệ cận huyết

Suy thoái vì thủ tục

Có một thực tế đáng sợ đang diễn ra ở tộc người Rục là tình trạng chết nhiều hơn sinh. Ngoài nguyên nhân mắc các bệnh hô hấp, đường ruột đã được cải thiện nhờ sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng, thì mối lo thường trực của đồng bào Rục nơi đây là tình trạng thoái hóa nòi giống và nguy cơ tuyệt chủng, xuất phát từ tình trạng quan hệ cận huyết diễn ra phổ biến. Đa số trẻ em trong bản khi sinh ra có thể trạng và nhận thức kém hơn trẻ bình thường, thậm chí nhiều trường hợp tật nguyền, chết yểu. Trưởng bản Hồ Kính kể, những năm trước, thanh niên người Rục bản Rào Tre từng lặn lội đi bộ cả ngày đường, vượt núi băng đèo gần 100 cây số sang huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình (nơi có một nhóm người Rục sinh sống) để “kiếm vợ” nhưng lại bị dân bản địa đuổi đánh, phải “tay trắng” chạy về. Vì vậy sau này chỉ có người trong bản lấy nhau. Còn theo đội trưởng Đội biên phòng Rào Tre, Dương Thanh Tịnh thì những người dân tộc khác (trong đó có người Kinh) thường không “mặn mà” kết hôn với người Rục, trong khi bản chỉ vỏn vẹn 34 hộ với 135 nhân khẩu, quanh đi quẩn lại đều là anh em cùng huyết thống nên khó tránh quan hệ cận huyết. Đội biên phòng Rào Tre đã tìm nhiều cách để giúp bà con thoát khỏi tình trạng này nhưng đến nay chưa có nhiều chuyển biến. Nỗi ám ảnh tuyệt chủng tộc người Rục vì thế vẫn hiện hữu...