Xung đột Nga-Ukraine: Cuộc chiến bất đối xứng trên bầu trời Ukraine

ANTD.VN - Trong xung đột quân sự với Ukraine, việc có đầy đủ máy bay ném bom, chiến đấu cơ và các hệ thống phòng không tầm xa đã khiến Nga làm chủ hoàn toàn bầu trời Ukraine.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã nhanh chóng trở thành cuộc xung đột quân sự lớn nhất mà châu Âu từng chứng kiến ​​kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, với việc Nga tiến hành một cuộc tấn công đa hướng trên khắp lãnh thổ đất nước này.

Sử dụng một loạt công nghệ vũ khí, quân đội Nga đã tấn công hầu như khắp lãnh thổ rộng lớn ở Ukraine bằng các cuộc không kích của chiến đấu cơ, tên lửa hành trình phóng từ tàu chiến, mặt đất và trên không; đồng thời với các cuộc bắn phá bằng pháo binh và tên lửa đạn đạo.

Trước cuộc chiến, cán cân lực lượng quân sự của Nga và Ukraine rất mất cân bằng, với sự vượt trội của người Nga về binh lực và hỏa lực. Ngay sau khi Nga nổ súng tấn công vào ngày 24/2, phương Tây đã bắt đầu cung cấp vũ khí mới cho Ukraine nhưng cũng không tạo ra được sự khác biệt.

Về lực lượng không quân, Nga sở hữu hàng trăm máy bay ném bom chiến lược bao gồm cả Tu-160 Blackjack, Tu-95 Bear-H, Tu-22 Backfire, cùng với hàng nghìn chiến đấu cơ hiện đại dòng MiG như MiG-29, MiG-31, MiG-35, dòng Su như Su-24, Su-25, Su-27, Su-30, Su-34, Su-35.

Trong khi đó, Ukraine khong có máy bay ném bom và chỉ có những máy bay tiêm kích đã lỗi thời gồm MiG-29 và Su-27 đời đầu, cùng với một số chiến đấu cơ khả năng tấn công mặt đất là Su-24 và Su-25.

Số lượng máy bay trực thăng của Nga cũng gấp hàng chục lần Ukraine với các loại trực thăng tiên tiến nhất như Mi-8, Mi-24, Mi-28, Mi-35, Ka-50, Ka-52, trong đó, Mi-28, Ka-50 và Ka-52 là những dòng trực thăng được coi là tiên tiến nhất trên thế giới, đã được kiểm chứng khả năng thực chiến.

Với khả năng tấn công vượt trội từ trên không và các loại tên lửa tầm xa, ngay trong những ngày đầu của cuộc chiến, Nga đã hầu như phá hủy hoàn toàn số lượng máy bay ít ỏi và các sân bay quân sự của Ukraine để hỗ trợ đắc lực cho lực lượng mặt đất Nga và DPR, LPR mặc sức tung hoành.

Trong bối cảnh đó, Ukraine đã kêu gọi phương Tây cung cấp ngay cho nước này các chiến đấu cơ hiện đại, nhưng Mỹ đã từ chối yêu cầu này vì lo ngại làm Nga nổi giận, khiến quy mô cuộc chiến mở rộng không thể kiểm soát được, thậm chí biến thành xung đột giữa Nga với cả khối NATO,.

Phương Tây đã nỗ lực cung cấp cho Ukraine một số phụ tùng, thiết bị để phục hồi một số máy bay chiến đấu cũ và thậm chí có thể đã tuồn cho Ukraine một số chiến đấu cơ MiG-29 cũ của Ba Lan, cùng với đó là vài chục máy bay trực thăng Mi-8/Mi-17 cũ thời Liên Xô.

Chỉ với những bổ sung ít ỏi đó, phương Tây không thể giúp Ukraine xoay chuyển được cán cân quá chênh lệch so với Nga về lực lượng trên không.

Ukraine cũng mua hoặc được viện trợ rất nhiều máy bay không người lái (UAV), ví dụ như nước này đã nhận được hơn 50 UAV tấn công Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng hơn 100 UAV cảm tử (kamikaze) Switchblade của Mỹ.

Các UAV của Ukraine đã tiến hành một số cuộc tấn công hiệu quả nhằm vào xe tăng và xe bọc thép của Nga, nhưng do số lượng UAV có hạn và cũng đã bị các hệ thống phòng không Nga bắn hạ gần hết nên chúng cũng không thể giúp Ukrainer chặn được bước tiến của quân Nga.

Về các hệ thống phòng không, Nga sở hữu quy mô lực lượng hùng hậu với các hệ thống phòng không cực kỳ tiên tiến gồm đủ cả tầm gần, tầm trung và tầm xa như: Pantsir-S, Tor-M2, Buk-M2/M3, S-300, S-350, S-400 Triumf.

Bên cạnh đó, các binh sĩ Nga cũng được trang bị các hệ thống phòng không vác vai (MANPADS) thế hệ mới nhất như Igla, Verba.

Những vũ khí phòng không tầm gần, tầm xa và tầm trung của Nga đã hạn chế tối đa khả năng tác chiến trên không của Không quân Ukraine, khiến họ không thể chiếm quyền kiểm soát không phận, đồng thời cũng không thể hỗ trợ cho bộ binh trên chiến trường.

Trong khi đó, loại vũ khí phòng không tốt nhất của Ukraine là hệ thống S-300P/PS đời cũ của Liên Xô có tính năng hạn chế, cùng với một số hệ thống Buk-M1, S-125-2D, SA-8 Gecko, Strela, Osa…

Brrn cạnh đó, Ukraine cũng được Slovakia hỗ trợ một tổ hợp S-300 cũ thời Liên Xô - hệ thống vũ khí phòng không tốt nhất mà phương Tây có thể cung cấp cho nước này, cùng với một số tổ hợp tên lửa tầm ngắn của Liên Xô từ một số nước Đông Âu khác.

Tuy nhiên, các khẩu đội phòng không của Ukraine hầu hết đã bị Nga phóng tên lửa hủy diệt từ đòn đánh phủ đầu trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự, số khác bị các tên lửa chống radar phá hủy trong giai đoạn chiến đấu tiếp theo, khiến khả năng phòng không của nước này bị hạn chế rất nhiều.

Tuy nhiên, Ukraine may mắn được các nước phương Tây hỗ trợ hàng nghìn tổ hợp tên lửa phòng không vác vai (MANPAD) FIM-92 Stinger (Mỹ), Strela (Liên Xô) và vũ khí phòng không tốc độ cao HVM Starstreak (Anh).

Những loại vũ khí này đã có những đóng góp nhất định trong việc chống lại các máy bay Nga. Đã xuất hiện những thông tin trực thăng, máy bay chiến đấu của Nga bị bắn hạ, không chỉ các loại cường kích bay thấp như Su-25, mà cả máy bay ném bom tiền tuyến hiện đại như Su-34 cũng chịu chung số phận.

Tuy nhiên, những hệ thống này cũng chỉ có phạm vi phòng không tầm gần, tầm thấp, không thể giúp Ukraine chiếm quyền kiểm soát không phận mà chỉ có thể ngăn chặn các máy bay ném bom tiền tuyến của Nga hỗ trợ bộ binh, làm giảm tốc độ tấn công của đối phương.

Ngoài ra, việc các chiến đấu cơ và trực thăng Nga đều được trang bị những tổ hợp tác chiến điện tử mạnh cũng đã hạn chế phần lớn những thiệt hại mà lực lượng phòng không Ukraine có thể gây ra cho lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga (VKS) hay lực lượng hàng không lục quân Nga.

Như vậy, tương quan về lực lượng phòng không-không quân hai nước là rất mất cân bằng. Mặc dù đã được sự hỗ trợ lớn lao của phương Tây nhưng sức mạnh của Nga là quá vượt trội so với khả năng của Ukraine.