Xe tăng Leopard 2A7 của Đức 'đánh bại' M1A2 Abrams của Mỹ tại Litva

ANTD.VN -  Xe tăng Leopard 2A7 đã áp đảo xe tăng M1A2 Abrams trong một cuộc đọ sức mang tính cạnh tranh cao, nhằm cung cấp xe tăng chủ lực cho quân đội Litva. Cuối cùng Vilnius quyết định chọn xe tăng Đức thay vì của Mỹ.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Litva Arvydas Anušauskas, chính phủ Litva sẽ ký một thỏa thuận thư với Đức để mua xe tăng Leopard 2A7 tối tân cho quân đội của họ.

Những ứng cử viên nhằm cung cấp xe tăng chủ lực cho quân đội Litva bao gồm xe tăng Leopard 2A7 của Đức, xe tăng M1A2 Abrams của Mỹ và xe tăng K2 Black Panther của Hàn Quốc.

Quyết định chọn xe tăng Leopard 2A7 của Đức dựa trên những đánh giá và phân tích tính toàn diện cả về sức mạnh, sự tiện lợi trong vận hành và cả bảo trì sau này.
Bộ trưởng Quốc phòng Litva Arvydas Anušauskas cho biết quân đội nước này đã sử dụng một số tiêu chí đánh giá, nhằm xác định dòng xe tăng chủ lực phù hợp với họ.

Các tiêu chí chính bao gồm giá thành khi mua và khai thác lẫn bảo trì, tính cơ động, tính an toàn cho kíp lái, hỏa lực mạnh, khả năng tương tác tốt trên chiến trường, cùng với việc có thể dễ dàng nâng cấp trong tương lai.

Việc đánh giá kỹ lưỡng dựa trên những yếu tố này cho phép Litva quyết định lựa chọn loại xe tăng phù hợp nhất cho quân đội của mình.
Xe tăng Leopard 2A7 là mẫu chiến xa chủ lực mới nhất thuộc dòng Leopard 2 nổi tiếng, được hãng Krauss-Maffei Wegmann (KMW) của Đức phát triển.
Biến thể Leopard 2A7 ra đời được kỳ vọng tiếp tục giữ vị thế đứng đầu trên bảng xếp hạng sức mạnh xe tăng hiện đại và mạnh nhất thế giới
Xe tăng Leopard 2A7 được giới thiệu lần đầu tại triển lãm quốc phòng Eurosatory 2010, đây là phiên bản được phát triển từ Leopard 2A6.
Ở phiên bản mới này, người Đức đã tăng cường khả năng bảo vệ và hệ thống điện tử để kiểm soát hỏa lực giúp cho hiệ suất tác chiến vượt trội.
Leopard 2A7 có thể hoạt động trong tác chiến đô thị, các cuộc xung đột cường độ thấp lẫn trong chiến tranh quy mô lớn.
Phiên bản này được tăng cường thêm giáp bị động, có thể bảo vệ 360° trước các loại tên lửa chống tăng lẫn đạn RPG, giáp bảo vệ hai bên thành xe cũng là loại mới.
Thân xe được tăng cường để đối phó với các loại thiết bị nổ tự chế (IED) và mìn vốn đang nổi lên như một vũ khí lợi hại trong các cuộc chiến tranh gần đây.
Giáp của Leopard 2A7 dạng module hóa, tức là các thành phần hư hỏng sẽ dễ dàng được thay thế ngay cả trong điều kiện dã chiến.
Sức mạnh hỏa lực của Leopard 2A7 nằm ở khẩu pháo nòng trơn Rheinmetall 120 mm / L55, hiện tại đây là khẩu pháo tăng tốt nhất thế giới.
Loại pháo này tương thích với chuẩn đạn pháo của NATO cũng như các loại đạn nổ mạnh (HE) “được lập trình hóa” mới phát triển.
Loại đạn pháo đa năng này có thể tiêu diệt mục tiêu được che chắn đằng sau chướng ngại vật lẫn trong các kiến trúc kiên cố cũng như tấn công lính bộ binh.
Thậm chí nhà phát triển cho biết, pháo trên xe tăng Leopard-2A7 kết hợp với hệ thống điều khiển hỏa lực ngoài tiêu diệt xe tăng và thiết giáp, nó còn có thể tiêu diệt cả trực thăng bay thấp.
Mỗi chiếc xe tăng chủ lực Leopard 2A7 có thể mang 42 viên đạn pháo. 15 viên đặt trong tháp pháo để sẵn sàng sử dụng, những viên còn lại để trong khoang xe.
Vũ khí tiếp theo là 1 súng máy đồng trục cỡ 7,62mm và 1 súng máy phòng không cỡ 12,7mm đặt trên nóc tháp pháo.
Khẩu súng máy này gắn vào giá điều khiển từ xa cho phép xạ thủ có thể khai hỏa từ trong xe.
Vị trí trưởng xe được trang bị kính ngắm PERI RTWL cho phép quan sát cả ngày lẫn đêm ở khoảng cách xa.
Loại kính ngắm này bao gồm thiết bị ảnh nhiệt thế hệ thứ ba Attica, một camera CCD ban ngày, thiết bị đo xa laser an toàn với mắt người, con quay hồi chuyển.
Vị trí của pháo thủ trang bị kính ngắm ổn định chính EMES 15 và kính nhìn xa bổ trợ FERO Z18, còn lái xe thì được tích hợp kính nhìn đêm ảnh nhiệt kết hợp kính ngắm khuếch đại ánh sáng giúp quan sát trước và sau xe.
Ngoài ra, xe tăng Leopard 2A7 còn được trang bị các thiết bị chỉ huy và điều khiển tân tiến tích hợp vào hệ thống quản lý chiến trường trên xe.
Về kích thước, xe tăng Leopard 2A7 có chiều dài 10,97m; rộng 4m; và cao 2,64m. Do được trang bị thêm giáp và các hệ thống điện tử tích hợp nên khối lượng của xe tăng lên tới 67,5 tấn.
Để đảm bảo khả năng cơ động, nhà sản xuất đã lắp cho “con quái vật thép” này động cơ diesel tăng áp MTU MB-837 Ka501 công suất 1.500 mã lực đảm bảo cho tốc độ tối đa của Leopard 2A7 đạt 72 km/h và tầm hoạt động 450 km.
Ngoài ra, Leopard 2A7 còn có một máy phát điện phụ trợ của hãng Steyr để duy trì hoạt động của xe khi động cơ chính đã tắt trong lúc thực hiện các nhiệm vụ như thiết lập chốt kiểm soát.
Khi đó xe tăng không cần phải di chuyển nhưng các thành phần phải luôn hoạt động để sẵn sàng chiến đấu.
Leopard 2A7 khi cần cũng có thể gắn thêm lưỡi ủi phía trước để đào công sự hay dọn dẹp vật cản, hoặc gắn các con lăn chuyên vô hiệu hóa mìn chống tăng.
Xe tăng Leopard-2A7 ra đời để đáp ứng các yêu cầu hoạt động chiến tranh tại các khu vực đô thị, nơi mà lợi thế của xe tăng giảm do tầm quan sát hạn chế.
Phiên bản Leopard 2A7 đã vượt qua nhiều bài kiểm tra và đạt đầy đủ các yêu cầu theo tiêu chuẩn của quân đội Đức.
Tiện nghi cùng hệ thống thông tin liên lạc cũng như điều hòa không khí nhằm chống lại tác nhân xạ - sinh - hóa của Leopard 2A7 cũng được nâng cấp, đem lại sự thoải mái và an toàn cao cho kíp điều khiển.
Trước khi biến thể hiện đại hơn của nó là Leopard 2A7 ra đời thì Leopard 2A6 luôn được đánh giá là tăng tốt nhất trên thế giới xét trên tổng hợp mọi tiêu chí, vì vậy một số nhà quan sát kỳ vọng khi phiên bản Leopard-2A7 ra mắt, chúng sẽ tiếp tục giữ vững vị thế xe tăng tốt nhất thế giới.
Tuy vậy giá cả luôn là một rào cản đối khi có giá dao động khoảng 10-12 triệu USD/chiếc tùy theo số lượng đặt mua.
Dù vậy khi đi vào sản xuất loạt với số lượng đặt mua lớn từ các quốc gia đang sử dụng các phiên bản Leopard cũ hơn, luc n1y giá thành của xe tăng Leopard-2A7 có thể sẽ giảm.