Vũ khí hạt nhân Mỹ triển khai tại Đức, có hại nhiều hơn lợi?

ANTD.VN - Việc cho phép triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ có thể dẫn tới một thảm họa đối với Đức, nhận định trên được tờ báo Trung Quốc Sohu đưa ra.

Tờ báo Trung Quốc viết, NATO kỳ vọng rằng Đức sẽ tiếp tục tham gia vào chính sách sử dụng chung vũ khí hạt nhân của Mỹ. Ngày nay trên lãnh thổ Cộng hòa Liên bang Đức có khoảng 20 quả bom B61-12 của Mỹ.

"Nếu một cuộc khủng hoảng xảy ra, máy bay chiến đấu của Đức có thể mang bom hạt nhân được Mỹ triển khai ở nước này, nhưng liệu điều đó có thực sự mang lại an toàn cho nước Đức", các nhà phân tích nghi ngờ.

Ngoài bom B61-12, Mỹ còn có ý định triển khai tên lửa siêu thanh mang đầu đạn hạt nhân tại Đức trong tương lai. Theo kế hoạch, đơn vị quản lý sẽ là Bộ chỉ huy Pháo binh số 56 của Quân đội Mỹ được tái lập gần đây tại Đức.

Trong Chiến tranh Lạnh, đơn vị này chịu trách nhiệm cho các tên lửa hạt nhân tầm trung MGM-31C Pershing II. Tuy nhiên chúng đã bị loại khỏi biên chế khi Mỹ và Liên Xô ký Hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF). Hiện tại thỏa thuận này đã chấm dứt.

Lầu Năm Góc có kế hoạch triển khai tên lửa siêu thanh tầm xa LRHW và hệ thống đa chức năng, cho phép phóng nhiều loại tên lửa từ một lần lắp đặt, bao gồm RIM-174 ERAM, Tomahawk (TLAM) và PrSM. Trong đó, tên lửa TLAM có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Theo chuyên gia Du Wenlong - Cựu Giám đốc Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc, Đức vẫn là chỗ đứng quan trọng để Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân, cho phép Washington duy trì lợi thế quân sự.

Đó là lý do tại sao Washington đang vận động Berlin bằng mọi cách có thể để nước này cho phép triển khai các tên lửa hạt nhân thế hệ mới.

“Người ta cho rằng nếu cần thiết, Mỹ sẽ có thể phóng vũ khí siêu thanh từ Đức". Theo ông Du Wenlong: "Ngay khi xung đột và căng thẳng nảy sinh giữa Mỹ và đối thủ tiềm tàng, vai trò của Đức sẽ phát triển nhanh chóng".

Tuy nhiên theo giải thích của chuyên gia này, tên lửa và bom hạt nhân của Mỹ sẽ không phải là sự đảm bảo an ninh cho Đức mà ngược lại, gây ra thảm họa cho Berlin.

“Nếu các máy bay chiến đấu của Đức thực sự lắp đặt và sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ, thì điều này có nghĩa là một cuộc chiến tranh nguyên tử toàn diện được kích hoạt".

"Trong trường hợp đó, đối phương sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân của mình. Đức chắc chắn sẽ trở thành tâm chấn của một cuộc tấn công, chắc chắn sẽ là thảm họa với họ”, nhà phân tích giải thích.

Ông Du Wenlong lưu ý: Mỹ đang tích cực triển khai vũ khí hạt nhân ở châu Âu với lý do chúng cung cấp sự bảo vệ đáng tin cậy trong trường hợp xảy ra chiến tranh toàn diện.

Tuy nhiên đây rõ ràng là một sai lầm lớn, chỉ làm phức tạp thêm tình hình thế giới và gây ra nguy hiểm cho các quốc gia cho phép đặt chúng.

Theo ông Du: “Rõ ràng Đức đang có nguy cơ trở thành chiến trường trong trận đấu giữa Mỹ với Nga”.

“Bất kể quốc gia nào cho phép triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ trong tương lai không những chẳng thể đảm bảo an ninh cho chính mình, mà còn bị rơi vào tình thế nguy hiểm hơn rất nhiều”, vị chuyên gia tin tưởng.