Hiệu suất đánh chặn của hệ thống phòng không Vòm Sắt do Israel phát triển đã đạt mức thấp nhất kể từ trước cho tới nay, trang tin Avia của Nga vừa cho biết.
Cụ thể trang này đưa tin, trong cuộc đối đầu giữa hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel với tên lửa phóng vào Israel từ Lebanon, hiệu suất đánh chặn là 48% số tên lửa được bắn.
Đây là một trong những tỷ lệ thấp nhất kể từ khi quân đội Israel sử dụng hệ thống Vòm Sắt này.
Lý do của hiệu suất đánh chặn thấp là do chúng chịu tác động từ các hệ thống tác chiến điện tử đang được Iran triển khai tại Syria.
Hiện cả Iran, Syria, Lebanon và Israel đều chưa bình luận về thông tin được truyền thông Nga đăng tải.
Trước đó nhiều lần Israel thông báo, hệ thống Vòm Sắt đã đánh chặn 95% - 97% trong tổng số hàng trăm rocket mà các tay súng cực đoan phóng vào nước này.
Vòm Sắt là hệ thống phòng không tầm thấp, được thiết kế để đánh chặn rocket, pháo và đạn cối.
Vòm Sắt được thiết kế và phát triển bởi công ty công nghệ quốc phòng Rafael của Israel, với sự hỗ trợ từ tập đoàn Raytheon của Mỹ.
Hệ thống Vòm Sắt được quân đội Israel và Mỹ đánh giá có khả năng đánh chặn thành công lên tới 85%.
Trong cuộc chiến tại Dải Gaza năm 2012, tỷ lệ đánh chặn thành công của Vòm Sắt được tăng lên tới trên 90%.
Israel bắt đầu phát triển Vòm Sắt sau cuộc chiến tại Lebanon năm 2006, nhằm đối phó với rocket từ nhóm vũ trang Hezbollah.
Bộ Quốc phòng Israel đặt mục tiêu phát triển hệ thống phòng không di động tầm ngắn chuyên đối phó với rocket vào tháng 2/2007.
Tổ hợp này khai hỏa thành công lần đầu vào tháng 3/2009, nhưng chưa thực hành đánh chặn mục tiêu.
Các đợt thử nghiệm diễn ra liên tục cho đến giữa năm 2010. Cuối cùng hệ thống Iron Dome đã chính thức thực chiến vào năm 2011.
Đạn tên lửa của hệ thống Vòm Sắt có tầm tác chiến hiệu quả từ 4 km tới 79 km, với cơ chế dẫn đường đặc biệt nó có thể phá hủy ngay cả đạn pháo siêu tốc.
Mỗi xe mang phóng có cơ số đạn gồm 20 quả tên lửa được đặt trong các ống phóng.
Một khẩu đội thường là 3 xe mang phóng sẽ có tổng số đạn trực chiến là 60 quả tên lửa.
Khi radar phát hiện ra vật thể bay thù địch, hệ thống xe chỉ huy sẽ tính toán quỹ đạo bay và đưa ra tọa độ rơi của quả đạn.
Nếu quả đạn được xác định sẽ rơi đúng vào khu vực đông dân cư, tên lửa đánh chặn từ Vòm Sắt được kích hoạt và tiêu diệt mục tiêu ngay còn khi đang bay trên không.
Điểm mạnh của hệ thống này chính là tốc độ phản ứng nhanh và có khả năng đánh chặn cực kỳ hiệu quả.
Theo phía Israel công bố, kể từ khi được triển khai từ tháng 3/2011 cho tới tháng 11/2012, Vòm Sắt đã đánh chặn được hơn 400 quả đạn được phóng ra từ pháo phản lực vào lãnh thổ nước này.
Như vậy, Vòm Sắt đã vô hiệu hóa tới 90% số lượng tên lửa được phóng đi từ Gaza nhắm vào các khu dân cư của Israel.
Israel đang vận hành khoảng 10 hệ thống Vòm sắt và tích cực để biên chế thêm các tổ hợp phòng không này trong tương lai.
Một tổ hợp Vòm Sắt hoàn chỉnh có giá khoảng 50 triệu USD, gồm ba thành phần chính là radar cảnh giới và bám bắt mục tiêu, hệ thống quản lý tác chiến và điều khiển hỏa lực (BMC) và 3-4 bệ phóng đạn (MFU).
Với khả năng đánh chặn đạn pháo, đạn cối và đạn rocket, Vòm Sắt được coi là chiếc khiên thần của quân đội Israel.
Nhận thấy ưu điểm của loại vũ khí này, Mỹ đã chính thức đặt mua và biên chế hệ thống này.