Việt Nam nổi lên là nền kinh tế năng động tại khu vực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Duy trì mức tăng trưởng ấn tượng trong quý III-2024, Việt Nam đang nổi lên như một nền kinh tế năng động tại khu vực, được nhiều tổ chức kinh tế thế giới đánh giá cao.
Việt Nam thuộc nhóm nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới

Việt Nam thuộc nhóm nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới

“Ngôi sao sáng” của châu Á

Trong báo cáo cập nhật về Việt Nam gần đây, Ngân hàng Standard Chartered đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,8%. Trong khi đó, trang The Edge Singapore trích nhận định của Ngân hàng UOB đánh giá: Với mức tăng trưởng GDP quý III-2024 là 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái, Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng kinh tế liên tục nhờ vào lĩnh vực sản xuất mạnh mẽ, cùng với xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Những bước phát triển mạnh mẽ đã giúp xác lập một vị thế mới cho nền kinh tế của Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng GDP thuộc nhóm cao nhất thế giới, Việt Nam nay là nền kinh tế lớn thứ 4 trong ASEAN và thứ 35 trên thế giới. Năm 2023, GDP của Việt Nam đạt 430 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.300 USD.

Về thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 681 tỷ USD, xuất siêu 8 năm liên tiếp, thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới. Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2023 đạt 8,1 triệu tấn, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Hàng nông sản Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 160 quốc gia trên thế giới. Trong lĩnh vực đầu tư, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng. Với con số 39,4 tỷ USD đầu tư nước ngoài thu hút được trong năm 2023, Việt Nam lọt vào nhóm 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI. Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất, nằm trong chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Intel, Apple, GE, Foxconn…

Với nỗ lực hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam nay là thành viên của nhiều tổ chức kinh tế quốc tế quan trọng như: WTO, APEC, ASEAN... Việt Nam cũng đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác trên thế giới, tạo thuận lợi cho xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến tháng 8-2023, Việt Nam đã ký kết 18 FTA, trong đó 15 FTA đã có hiệu lực, gồm các FTA song phương, đa phương và khu vực. Trong ASEAN, Việt Nam là nước có số lượng FTA ký kết nhiều nhất, vượt qua các nước như: Singapore, Thái Lan và Indonesia.

Quan hệ ngoại giao được mở rộng, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 quốc gia, đặc biệt là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và nhiều nước thuộc nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới (G-20). Trong những năm gần đây, hầu hết nguyên thủ, lãnh đạo các nước lớn và các tổ chức quốc tế quan trọng, đều đến thăm, làm việc và có ấn tượng tốt về đất nước, con người Việt Nam.

Lý giải nguyên nhân thành công của kinh tế Việt Nam, hãng thông tấn Đức DW cho rằng, Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ chi phí lao động thấp, lực lượng lao động trẻ và đông đảo, với 58% dân số dưới 35 tuổi. Còn theo các chuyên gia của Standard Chartered, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay tương đối mạnh mẽ, nhờ sự cải thiện trong nhiều lĩnh vực như xuất nhập khẩu, bán lẻ, bất động sản, du lịch, sản xuất... Trang Khalei Times thì đánh giá Việt Nam là một “ngôi sao sáng” của châu Á và đóng vai trò là một nền kinh tế năng động tại khu vực, thể hiện khả năng phục hồi và tăng trưởng thông qua các quan hệ đối tác chiến lược và cam kết phát triển bền vững trên thị trường toàn cầu.

Tăng trưởng cao hơn kỳ vọng

Sau kết quả tích cực của quý III-2024, không chỉ Ngân hàng Standard Chartered, nhiều tổ chức quốc tế cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2024 của Việt Nam so với đánh giá trước đó. Theo Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,1% trong năm 2024 và tăng lên 6,5% sang năm 2025, mức này cao hơn lần lượt 5,5% và 6,0% tại dự báo của WB vào tháng 4-2024. Với dự báo này, tăng trưởng GDP của Việt Nam cao hơn 8 quốc gia trong khu vực ASEAN và Trung Quốc.

Trong báo cáo cập nhật về Việt Nam công bố gần đây, bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC cho biết, mức tăng trưởng 7,4% trong quý III của Việt Nam “cao hơn hẳn so với kỳ vọng”. Với diễn biến tích cực đó, HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên 7%, từ mức dự báo trước đó là 6,5%. HSBC cho rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút FDI nhờ triển vọng cơ bản vẫn tích cực, đặc biệt lưu ý khả năng dòng vốn đổ vào lĩnh vực sản xuất sẽ ổn định trong tương lai. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực trên, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ. Đó là tăng trưởng kinh tế chưa thật bền vững. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài, như giá cả hàng hóa thế giới, tình hình kinh tế thế giới. Cơ cấu kinh tế của Việt Nam chưa thật hợp lý, cần tiếp tục được chuyển đổi, tỷ trọng nông nghiệp còn cao, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ vẫn chưa đạt mức cần thiết. Bất bình đẳng trong thu nhập còn cao, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp...

Theo đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), các rủi ro với kinh tế Việt Nam vẫn cao. 8 tháng đầu năm nay Việt Nam thu về trên 265 tỷ USD từ xuất khẩu hàng hóa, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng xuất khẩu - động lực chính của nền kinh tế có thể đi xuống nếu tăng trưởng toàn cầu không như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị kéo dài hoặc tranh chấp thương mại tăng. Còn theo phân tích của WB, Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội tăng cường vai trò của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách kết nối với các đối tác thương mại lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ chứng kiến doanh thu tăng gần 25% nhanh hơn so với các thị trường khác trong giai đoạn 2018 - 2021. Tuy nhiên, WB cho rằng các nền kinh tế như Việt Nam có thể ngày càng bị hạn chế trong việc đóng vai trò “kết nối một chiều” khi các quy tắc xuất xứ và hạn chế xuất nhập khẩu mới, nghiêm ngặt được áp dụng.

Để có thể ứng phó hiệu quả với những chuyển dịch, biến động lớn của nền kinh tế toàn cầu, đồng thời bảo vệ được lợi ích chiến lược của Việt Nam trong tương quan quan hệ kinh tế với các nước lớn nói riêng và thế giới nói chung, Việt Nam phải tăng cường tiềm lực quốc gia, bồi đắp phát triển nội lực và nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế. Để duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn, Việt Nam cần phải chủ động hiện đại hóa và cải cách nền kinh tế của mình để thích nghi với sự chuyển đổi các mô hình thương mại và thay đổi về công nghệ. Cùng với việc tận dụng những cơ hội từ giao thương và các FTA thế hệ mới để thúc đẩy tăng trưởng, củng cố nội lực, cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững; phát triển đồng bộ, hài hòa các lĩnh vực kinh tế, sẵn sàng, chủ động nguồn lực từ trong nước nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài và đón đầu làn sóng dịch chuyển nguồn vốn của các công ty đa quốc gia.