Vì sao không nên cho trẻ dưới 5 tuổi ăn trứng vịt lộn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trứng vịt lộn là món ăn bổ dưỡng được nhiều gia đình cho trẻ nhỏ ăn. Tuy nhiên các chuyên gia dinh dưỡng lại khuyến cáo không nên cho trẻ dưới 5 tuổi ăn món này.

So với trứng vịt thường, trứng vịt lộn có giá trị dinh dưỡng gấp nhiều lần. Trong trứng vịt lộn có chứa 182 kcal năng lượng; 13,6 gram protein; 12,4 gram lipid; 82 mg canxi; 212 gram photpho và 600 mg cholesterol. Ngoài ra còn có rất nhiều beta carotene, các vitamin nhóm A, B, C, sắt…

Trứng vịt lộn không nên cho trẻ dưới 5 tuổi ăn vì có thể gây hại

Trứng vịt lộn không nên cho trẻ dưới 5 tuổi ăn vì có thể gây hại

Trong trứng lộn có chứa vitamin A (retinol) và tiền vitamin A (beta caroten) khá cao.

Đây là món ăn bổ dưỡng nhưng lại rất bình dân, có giá thành rẻ nên nhiều gia đình thường mua để tẩm bổ cho người già, trẻ em, đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng.

Tuy nhiên theo các chuyên gia dinh dưỡng, các gia đình không nên lạm dụng món ăn vì nếu ăn quá nhiều, cơ thể không dung nạp hết các chất có trong trứng sẽ gây quá tải cho bộ máy tiêu hóa, có thể gây tiêu chảy. Đặc biệt trẻ nhỏ dưới 5 tuổi không nên ăn.

Theo bác sĩ Doãn Thị Tường Vy - Nguyên trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198, không nên cho trẻ dưới 5 tuổi ăn trứng vịt lộn vì trung bình trong 100g trứng lộn có lượng vitamin A vào khoảng 1.000mcg, trong đó nhu cầu của trẻ chỉ ở khoảng 300 - 500mcg. Ăn nhiều trứng lộn thường xuyên khiến lượng vitamin A dư thừa.

Khi trẻ dưới 5 tuổi ăn nhiều trứng vịt lộn sẽ gây thừa vitamin A. Việc thừa vitamin A sẽ gây ra nhiều tác hại như gây vàng da, bong tróc biểu bì da, ảnh hưởng đến việc hình thành hệ xương ở trẻ.

Ngoài ra còn có thể gây rối loạn tiêu hóa. Trẻ dưới 5 tuổi do bộ máy tiêu hóa chưa hoàn thiện nên nếu ăn loại thực phẩm có quá nhiều chất như trứng vịt lộn sẽ gây khó tiêu, đầy bụng, tiêu chảy...

Bên cạnh đó, ăn nhiều trứng vịt lộn còn làm tăng lượng cholesterol trong máu. Nếu trẻ nạp quá nhiều lượng cholesterol sẽ làm tăng nguy cơ mỡ trong gan, máu cao, gây các bệnh về tim mạch.

Theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng, dù là món bổ dưỡng, trẻ từ 5 tuổi trở lên cũng chỉ nên ăn ½ quả mỗi lần, mỗi tuần từ 1-2 lần là đủ. Với những trẻ bị tiểu đường, tim mạch… tốt nhất không nên cho trẻ ăn trứng vịt lộn vì dưỡng chất có thể làm tắc nghẽn động mạch, gây nguy hiểm đến tính mạng. Nếu cho trẻ ăn trứng vịt lộn thì nên cho ăn vào buổi sáng thay vì chiều tối làm trẻ khó tiêu, ngủ không yên giấc.

Khi ăn trứng vịt lộn nên ăn kèm rau răm để giúp cho trẻ không bị lạnh bụng, đầy hơi, tránh được các vấn đề về tiêu hóa.